Thực tế buồn: Chỉ 0,001% DN Việt thực sự tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Đối diện nhiều khó khăn

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nước ta hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho hay trong gần 1 triệu doanh nghiệp chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,001%.

"Và theo số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, trong 5.000 doanh nghiệp này chỉ có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1. Sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu là rất thấp”, TS Bình nhận định.

Lý giải về nhận định này ông Bình cho biết, nghiên cứu của Economica Vietnam đã chỉ ra một số khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là việc đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe, yêu cầu cao về phương diện kỹ thuật, quản trị và thời gian giao hàng của doanh nghiệp đầu chuỗi.

"Họ yêu cầu doanh nghiệp Việt phải thiết lập hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, lao động, điều kiện về vệ sinh an toàn lao động. Những yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được", TS Bình nêu thực tế .

Một điểm nghẽn nữa là yêu cầu về sản xuất xanh từ thị trường quốc tế ngày càng cao, buộc các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình xanh hóa sản xuất.

Để đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, trong khi đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và phải liên tục đáp ứng yêu cầu của đầu chuỗi.

Hơn nữa, để bỏ ra số tiền vốn lớn, doanh nghiệp phải có niềm tin rất lớn vào môi trường kinh doanh, khi họ đầu tư sẽ là an toàn, sẽ không có quá nhiều sự thay đổi về cơ chế chính sách, không có sự thay đổi về quy định áp luật.

Doanh nghiệp Việt luôn ở thế bị động

Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam khẳng định quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt cho thấy tính kết nối của doanh nghiệp nội với các nhà sản xuất FDI chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả với các nhà sản xuất FDI.

Doanh nghiệp Việt luôn ở thế bị động khi đàm phán với doanh nghiệp FDI.

Đồng quan điểm với bà Hương, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách khiến ngành công nghiệp khó phát triển.

Bên cạnh đó, sự thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ và chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả cũng như, chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu là những nhược điểm đối với sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam.

Ông cho rằng các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt. Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ. Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó chú trọng xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; xây dựng và phát triển các thương hiệu; tuân thủ quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại và tiêu chuẩn xã hội; xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.

Kỳ Thư