Đào tạo nhân lực sáng tạo nghệ thuật nhìn từ sản xuất gốm Biên Hòa

Tiến sĩ - họa sĩ Đoàn Minh Ngọc đang trao đổi với giáo sư người Pháp tại xưởng gốm

Từ thực trạng nghề sản xuất gốm Biên Hòa có thể thấy, để duy trì và phát triển, tất cả các ngành nghệ thuật cần tối ưu hóa việc thu hút nhân lực...

* Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo nghệ thuật

Nước ta hiện có 40 cơ sở từ trung cấp, cao đẳng đến đại học đào tạo chuyên về các ngành văn hóa nghệ thuật; trên 80 cơ sở công lập và tư thục có mở các khoa, lớp đào tạo nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Có một “mẫu số chung” cho các cơ sở là không tuyển đủ chỉ tiêu hàng năm, có trường phải cho giảng viên, nghỉ vì quá ít sinh viên, học viên thậm chí một số trường phải đóng mã ngành đào tạo vì nhiều năm không có người học. Vì sao có hiện tượng này?

Giới trẻ Việt Nam hiện nay có xu hướng thích theo học các ngành thiết kế hơn là chọn mỹ thuật tạo hình như: hội họa, đồ họa, gốm, điêu khắc. Xu hướng đào tạo mỹ thuật tại các trường trong và ngoài nước đang chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm để định hướng về chiến lược đào tạo cho phù hợp với tiềm năng, nguồn nhân lực hiện có; đồng thời sớm tiếp cận xu thế chung của các nước có nền mỹ thuật phát triển.

Lân - men đồng xanh

Việt Nam có thể tham khảo chương trình đào tạo và cách tuyển sinh đầu vào của một số trường đại học mỹ thuật ở các nước. Tại hội thảo Doctoriales Bretagne 2012 Rencontres jeunes chercheurs et acteurs ở Pháp, GS Patricia Plaud Dilhuit đã trình bày sơ lược về mô hình đào tạo và tuyển sinh đầu vào của Trường Mỹ thuật Paris (Beaux-Arts de Paris) như sau: “Mỗi năm có khoảng 400-500 thí sinh đăng ký và kết quả số thí sinh được chọn vào trường từ 120-150 người. Để được vào trường học, tất cả thí sinh phải nộp tuyển tập các sản phẩm của mình (sản phẩm gốc hoặc bản sao) với kích thước 50x65cm, trọng lượng không quá 5kg. Nếu các thí sinh qua được vòng kiểm tra hồ sơ thì sẽ thực hiện bài thi vẽ kéo dài 2 giờ và thi lý thuyết 1 giờ, cuối cùng là vòng phỏng vấn trực tiếp về kiến thức nghệ thuật và bảo vệ sản phẩm của mình trước ban giám khảo tối đa 15 phút. Ở đây, người ta quan niệm đã vào trường mỹ thuật thì sinh viên phải biết vẽ và hiểu biết về lịch sử mỹ thuật”.

Từ thực trạng đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam và trên thế giới, các bộ, ngành chức năng cần định hướng phát triển bền vững và từng bước điều chỉnh nội dung chương trình, hình thức đào tạo cho phù hợp với điều kiện của từng trường. Việc đào tạo cái gì, đào tạo như thế nào không thể chỉ căn cứ vào những gì cơ sở đào tạo có khả năng làm được mà phải chú trọng đến nhu cầu, năng lực của xã hội và của cá nhân người học. Đó là căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, nghệ thuật của địa phương và cả nước.

Để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo nghệ thuật, các cơ sở giáo dục cần chủ động lồng ghép hoạt động chuyên môn vào các hoạt động xã hội nhằm tạo động lực tích cực cho sinh viên, đồng thời giáo dục người trẻ có tinh thần phục vụ cộng đồng.

Theo khảo sát của họa sĩ Trần Khánh Chương, gốm Biên Hòa tập trung tại các phường Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Hạnh, Hóa An. Hiện nay, hầu hết sản phẩm của các lò gốm đều được sản xuất tại đây và xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á và châu Âu.

* Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực

Xuất phát từ nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục của nhà trường gắn liền với giáo dục của gia đình và xã hội” và nhà trường phải “đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái nhà trường có”, sự gắn kết giữa nhà trường (nơi đào tạo nguồn nhân lực) và doanh nghiệp (DN - nơi sử dụng nguồn nhân lực) là hiển nhiên trong quá trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Bình - men da lươn

Nhà trường và DN cần có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển sự gắn kết đôi bên, đảm bảo cho nguồn nhân lực được sử dụng có ích và đạt hiệu quả cao. Sự kết nối này tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện khả năng tư duy, thực hành ngay khi còn trên ghế nhà trường. Đối với sinh viên các ngành nghệ thuật, điều này giúp các em nâng cao năng lực chuyên môn và phát triển tư duy sáng tạo.

Quá trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, lợi ích mà nhà trường, DN và người học thu được bao gồm:

Đối với nhà trường: Được tổ chức tư vấn tuyển dụng, xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi các thông tin về khoa học, công nghệ tiên tiến, nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai. Nhà trường nâng cao được chất lượng đào tạo, tìm được đầu ra cho người học, từ đó nâng cao uy tín, duy trì được mối liên kết bền vững giữa nhà trường và DN.

Đối với DN: Có đội ngũ nhân lực vững chắc, chi phí tuyển dụng, thử việc thấp, có thể dễ dàng nắm bắt được năng lực, phẩm chất của sinh viên. Sản phẩm do nhà trường đào tạo có chất lượng tốt sẽ giúp DN hưởng lợi khi tuyển dụng, sử dụng lao động, quảng bá thương hiệu, hình ảnh... DN có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với người học: Lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên nắm bắt được môi trường thực tế, phát triển được kỹ năng giải quyết những vấn đề phát sinh. Thực tập tại DN giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ, hiểu rõ hơn những bài học lý thuyết. Với kinh nghiệm có được trong quá trình thực tập, sinh viên sẽ tự tin, chịu được thử thách trong hành trình lập nghiệp. Dù kết quả nhiều hay ít, các đợt thực tập mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội khác nhau, giúp họ có cơ hội tìm kiếm học bổng, tiếp cận sớm với các tổ chức tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Có thể thấy, mối quan hệ giữa nhà trường và DN hiện nay chưa thật sự gắn kết chặt chẽ và đang gặp nhiều bất cập. DN chưa được tham gia đóng góp ý kiến về xây dựng chương trình đào một cách chi tiết, thường xuyên. Do đó, kiến thức sinh viên thu nạp được sau khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Nguyên nhân chính xuất phát từ chỗ nhận thức chưa đủ, chưa đúng về nhu cầu gắn kết và hợp tác giữa nhà trường và DN, chưa có sự đồng điệu trong tư duy, bắt nguồn từ sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về lợi ích và thế mạnh của nhau. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách cụ thể để phát triển và duy trì mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường - DN, nói cách khác, sự gắn kết giữa nhà trường và DN chưa trở thành nhu cầu bức thiết.

Bình - men celadon

Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai may mắn đã có sự gắn kết từ khá lâu với các DN như: Công ty Điêu khắc Vĩnh Cửu, Công ty Gốm Đồng Tâm và nhiều công ty khác. Lãnh đạo các công ty đã tham gia góp ý chương trình giảng dạy và chấm bài thi tốt nghiệp tại trường. Các DN nói trên cũng luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên đến thực tập, sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại công ty. Đáng tiếc là hiện nay Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh đào tạo và phát triển ngành gốm. Mặc dù sinh viên tốt nghiệp ngành này đều có việc làm và nhu cầu của xã hội về gốm khá cao nhưng người học gốm vẫn ngày càng thưa vắng. Thực trạng này đòi hỏi những nhà quản lý phải sớm có định hướng và giải pháp khắc phục, nhằm duy trì và phát triển ngành nghệ thuật truyền thống lâu đời của Biên Hòa một thời là thương hiệu gốm nổi danh ở châu Âu.

Tiến sĩ - họa sĩ Đoàn Minh Ngọc