Địa Trung Hải trước nguy cơ là 'điểm nóng' về biến đổi khí hậu

Theo cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), khu vực Địa Trung Hải đang đứng trước nguy cơ trở thành “điểm nóng” về biến đổi khí hậu (BĐKH), theo đó sẽ phải hứng chịu các đợt cháy rừng, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt hơn do nhiệt độ gia tăng.

Máy bay dập lửa tham gia chữa cháy ở đảo Evia.Ảnh: REUTERS

CNN ngày 8-8 đưa tin, đám cháy rừng có tên Dixie tại bang California lại bùng phát và trở thành vụ cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử bang miền Tây nước Mỹ này. Chỉ trong 24 giờ qua, đám cháy Dixie đã phá hủy 187.562ha rừng, tăng so với 181.187ha một ngày trước đó. Khu vực bị “giặc lửa” tấn công hiện đã lớn hơn diện tích của thành phố Los Angeles.

Dixie là vụ cháy rừng lớn nhất đang hoành hành ở Mỹ và cũng là một trong 11 vụ cháy rừng lớn ở California. Cuối tuần qua, Dixie đã vượt qua vụ cháy rừng Mendocino hồi năm 2018 và trở thành vụ cháy rừng tồi tệ thứ hai trong lịch sử bang. Cháy rừng lan rộng đã gần như “nuốt chửng” thị trấn đào vàng lịch sử Greenville trên dãy núi Sierra Nevada, để lại khung cảnh hoang tàn ở nơi này. Đám cháy Dixie đã san phẳng nhiều tòa nhà mang dấu ấn lịch sử và hàng chục ngôi nhà khác ở trung tâm Greenville, đồng thời khiến hàng nghìn người dân địa phương phải đi sơ tán.

Hơn 2.000 người được lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp sơ tán khỏi đảo Evia trong những ngày qua.Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, “bà hỏa” cũng thiêu rụi hàng nghìn hecta rừng nguyên sinh ở phía Bắc hòn đảo Evia-hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Thống đốc vùng miền Trung Hy Lạp, ông Fanis Spanos cho biết, đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây ở Hy Lạp đã gây cháy rừng ở nhiều nơi. Trên cả nước, cháy rừng và hàng chục ngôi nhà cùng cơ sở kinh doanh đã bị phá hủy. Từ ngày 3-8, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã giúp sơ tán hơn 2.000 người, trong đó có nhiều người cao tuổi, từ khắp nơi trên đảo Evia. Một số nước như Pháp, Ai Cập, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cũng đã gửi nhiều trợ giúp, trong đó có máy bay dập lửa, tham gia dập lửa ở Evia.

Cháy rừng là một thực tế khắc nghiệt về sự gia tăng BĐKH được các chuyên gia LHQ đưa ra trong bản dự thảo báo cáo về nhiệt độ và mực nước biển tăng trong tương lai của IPCC. Các chuyên gia LHQ cảnh báo, BĐKH sẽ định hình lại sự sống trên Trái Đất trong những thập kỷ tới, thậm chí ngay cả khi các nước giải quyết được vấn đề lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính-một trong những nguyên nhân chính làm cho Trái Đất ấm lên.

Dự thảo báo cáo trên cũng nêu rõ, hơn 500 triệu dân tại Địa Trung Hải sẽ đối mặt với “những rủi ro về khí hậu”, như mực nước biển dâng cao, sự mất đa dạng sinh học ở trên cạn và dưới biển, hạn hán, cháy rừng, vòng tuần hoàn của nước thay đổi, hoạt động sản xuất lương thực bị đe dọa.... Dự thảo báo cáo cảnh báo hàng chục triệu dân sẽ đối mặt với nguy cơ cao thiếu nước sạch, ngập úng vùng ven biển và hứng chịu nắng nóng gay gắt. IPCC ước tính sẽ có thêm 93 triệu người ở phía Bắc Địa Trung Hải đối mặt với nắng nóng ở mức cao hoặc rất cao vào giữa thế kỷ này. Tại các nước châu Âu nằm trên bờ Địa Trung Hải, diện tích cháy rừng dự kiến tăng thêm 87% nếu nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng thêm 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp và tăng đến 187% nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C. Đến nay, nhiệt độ của Trái Đất đã tăng thêm 1,1 độ C.

Những cảnh báo trên được đưa ra chưa đầy 3 tháng trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Đây được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để nhân loại có thể hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

BÌNH NGUYÊN