Bảo đảm môi trường làm việc an toàn và sức khỏe người lao động

Khám xác định bệnh nghề nghiệp tại Công ty Châu Tiến (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Trung Hiếu

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp như: không quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật; không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công tác thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại chưa đúng quy định,...

Hiện nay, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng nhanh cả về số người bị mắc và số bệnh do môi trường lao động bị ô nhiễm nghiêm trọng và điều kiện lao động không an toàn. Dù không gây tổn hại trước mắt, nhưng bệnh nghề nghiệp để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Bệnh bụi phổi hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là người lao động làm việc trong các hầm, mỏ khai thác than, đá, quặng, trong các nhà máy sản xuất xi-măng, gốm, nghiền đá, dệt may, hay trên các công trường xây dựng.

Mặc dù phải hằng ngày, hằng giờ làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại, dẫn đến suy giảm sức khỏe, ốm đau, bệnh tật và phơi nhiễm với các bệnh nghề nghiệp, nhưng phần lớn người lao động làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất không được khám, điều trị kịp thời, không được giám định để hưởng chế độ bảo hiểm.

Nhiều lao động đang phải đánh đổi sức khỏe để có việc làm. Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 và Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động bắt buộc hằng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần cho tất cả người lao động. Đối với những người làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại thì phải được khám sức khỏe sáu tháng một lần.

Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 97% số doanh nghiệp cả nước, giải quyết việc làm khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, tình trạng trốn khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho người lao động để cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận, không chỉ làm tổn hại sức khỏe hàng triệu người mà còn gây ra những tác động không nhỏ cho xã hội, tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế và bảo hiểm xã hội.

Không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc khám sức khỏe định kỳ người lao động, việc khảo sát, đo đạc, cải thiện môi trường làm việc, áp dụng đầy đủ các biện pháp dự phòng cũng chưa được các doanh nghiệp quan tâm.

Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn, tức là mức nguy hiểm có hại cho môi trường của người lao động, nhưng việc áp dụng tại các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Trong khi, việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, nếu có thì mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 659 phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đến năm 2025, 50% người lao động tại cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và đạt 100% vào năm 2030.

Muốn đạt được mục tiêu này, các ngành, các cấp cần tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, với vai trò là cầu nối, công đoàn cơ sở phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham gia giám sát, tham mưu cho chủ doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc an toàn.

Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống bệnh nghề nghiệp để người lao động tự giác tham gia việc khám, chữa bệnh định kỳ và đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình.