Sống mãi trong lòng đất mẹ

Trên đường chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), tài xế mở ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến: “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về...”. Lời ca khúc cất lên, giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt của thế hệ những người trực tiếp cầm súng đánh giặc và cả những người sinh ra trong thời bình. Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi Vương Đình Bường (72 tuổi) bùi ngùi nói, chúng tôi may mắn còn sống. Nhiều anh em hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ông Vương Đình Bường, Vũ Duy Thư và bà Nguyễn Thị Hiên bùi ngùi xúc động khi đứng trước phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Tiến Bộ, ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành).

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ông Bường đều đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hành Tín Đông để thắp hương cho liệt sĩ Nguyễn Tiến Bộ, người cùng quê Nghệ An và cùng đơn vị với ông ở Tiểu đoàn Pháo binh 13, Lữ đoàn 52, quân giải phóng Trung Trung Bộ. Liệt sĩ Bộ hy sinh ngày 7/10/1974 ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Ông Bường cùng với đồng đội đã trực tiếp chôn cất hài cốt liệt sĩ Bộ. Lần này cùng đi viếng mộ liệt sĩ Bộ có cả người con gái năm xưa anh Bộ đem lòng yêu thương, nhưng chưa dám ngỏ lời vì còn nghĩa vụ với non sông, đó là bà Nguyễn Thị Hiên, nay đã 75 tuổi. Bà Hiên hiện sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng đi viếng mộ còn có cả đồng hương, đồng đội của liệt sĩ Bộ ở tỉnh Nghệ An vào Quảng Ngãi thăm đồng đội, đó là ông Vũ Duy Thư (76 tuổi).

Ông Bường cho biết, anh Bộ công tác ở Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An, cùng với nhiều giáo viên, sinh viên vào Nam tham gia kháng chiến. Anh rất đẹp trai, dáng người cao, to; luôn mẫu mực, yêu thương đồng đội. Ông Thư thì kể rằng, tôi nhiều lần nằm mơ thấy anh Bộ. Còn nhớ, những lúc dừng chân nghỉ ngơi trên đường hành quân trong rừng sâu, anh Bộ thường kể cho đồng đội nghe về người con gái tên Hiên. Bữa ăn của anh em trong đơn vị lúc đó chủ yếu là bắp, bo bo. Cứ 3 ngày mới có một bữa ăn là cơm, không trộn bắp, bo bo. Anh em đói và bị bệnh sốt rét rất nhiều. Có lần anh Bộ nói với tôi: Hôm nay có cơm, ko trộn bắp, bo bo, Thư là người gầy yếu nhất đoàn, mình nhường Thư bát cơm.

Ông Bường, ông Thư và bà Hiên, cả ba cùng thắp nén hương lên phần mộ của anh Bộ. Những người đã hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua những giây phút mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, giờ đây, họ nhớ đồng đội và những giọt nước mắt lăn dài. Họ đã làm tròn nghĩa vụ với non sông, đất nước, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, họ chẳng thể nào nguôi nỗi nhớ đồng đội, nhớ giọng nói, nhớ tiếng cười, nhớ những lần nhường cơm cho nhau, và thậm chí là giành gian khổ, hiểm nguy về phần mình...

Ông Thư kể, sau khi Quảng Ngãi được giải phóng, chúng tôi biên chế vào Quân đoàn 4 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cấp tốc hành quân tiến vào Sài Gòn. Sáng ngày 30/4/1975 chúng tôi đã có mặt ở Sài Gòn. Thời khắc khi nghe tin chiến thắng, anh em vui mừng, ôm lấy nhau rơi nước mắt. Mọi người hô vang: “Hòa bình rồi! Thống nhất rồi!”. “Mẹ ơi! Chiến thắng rồi, con được trở về với mẹ rồi!”-Lúc ấy, tôi đã thốt lên như thế”, ông Thư nhớ lại. Và rồi, người cựu chiến binh nghẹn ngào vừa nói, vừa thắp hương lên những phần mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính: “Tôi gửi lời tri ân đến những anh hùng liệt sĩ, những đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ”.

“Nguyễn Thế Hiệu. Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Hy sinh tại Xuyên Thanh, Duy Xuyên, Quảng Đà”, mảnh giấy nhỏ đã úa màu thời gian, ghi nội dung nói trên là thông tin để chúng tôi đi tìm hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu - cậu ruột của ba tôi. Ông Nguyễn Trông (85 tuổi), ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức) - anh ruột của liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu, nghẹn ngào nói: “Hòa bình đã gần nửa thế kỷ rồi mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt của thằng Hiệu. Mong tìm thấy hài cốt của Hiệu để đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà”.

Ông Nguyễn Trông, ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức) thắp hương trên phần mộ của em trai là liệt sĩ Nguyễn Chờ, ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã.

Gia đình ông Nguyễn Trông có 11 anh em. Ông Trông là người con thứ 7, còn liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu thứ 10. Trong đó, có đến 4 người là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi đã nhờ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị chức năng ở tỉnh Quảng Nam lục tìm thông tin về liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu, nhưng thông tin cũng chỉ có chừng ấy.

Chúng tôi tìm về xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh Nguyễn Thị Minh Nam cho biết, sau nhiều lần tách, nhập xã, Xuyên Thanh chính là địa bàn xã Đại Thạnh ngày nay. Giữa trưa nắng cháy, không chờ đợi được hơn nữa, chị Nam cùng với anh Tưởng Văn Thìn - cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội xã Đại Thạnh, đưa chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã. Không có tên liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu trong nghĩa trang. Thắp nén hương lên các phần mộ của liệt sĩ chưa xác định danh tính, chị Nam bảo, cũng có thể liệt sĩ Hiệu nằm trong số những phần mộ ở đây. Sau ngày giải phóng, xã đã quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính vào nghĩa trang. Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh có 320 mộ, trong đó 138 mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính. Đại Thạnh là mảnh đất chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh. Xã ở gần núi nên bộ đội đi dọc đường Trường Sơn thường xuống đây lấy lương thực. Địch bảo đây là làng cộng sản nên chúng thả bom đánh phá ác liệt và đàn áp dã man. Dẫu vậy, người dân vẫn bám đất giữ làng, một lòng theo cách mạng.

Anh Tưởng Văn Thìn thông tin thêm, xã Đại Thạnh trước đây chia thành 2 xã Đại Thạnh và Đại Chánh ngày nay. Một số phần mộ liệt sĩ ở Đại Thạnh di dời sang Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Chánh. Vậy là chị Nam, anh Thìn đưa chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Chánh cách đó không xa. Khu nghĩa trang ở đây được xây dựng khang trang, rộng lớn, gần đó là dãy núi cao. Ở đây cũng không có tên của liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu. Ai nấy đều bùi ngùi khi ở nghĩa trang có đến gần 900 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính. Có thể lắm, liệt sĩ Nguyễn Thế Hiệu yên nghỉ đâu đó trong số gần 900 ngôi mộ của liệt sĩ chưa xác định danh tính, và cũng có thể anh nằm đâu đó trên dãy núi cao kia...

Ông Nguyễn Trông vì sức khỏe không thể đi tìm hài cốt em trai. Nghe tin chưa tìm thấy thông tin liệt sĩ Hiệu, ông bảo tôi chở đến ngay Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đức Lân. Ông đưa tay chỉ vào tấm bia khắc rõ dòng chữ: Nguyễn Thế Hiệu, sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 4/1966, cấp bậc Trung đội phó Sư 2, hy sinh ngày 9/3/1969. Liệt sĩ Hiệu có tên trong danh sách liệt sĩ ở địa phương nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Ông Trông cho biết thêm, liệt sĩ Nguyễn Chờ (người con thứ 8 trong gia đình) yên nghỉ ở nghĩa trang này. Nói rồi, ông rơi nước mắt... Đất nước hòa bình, thống nhất đã gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn đó nỗi nhớ đồng chí, đồng đội, người thân là các anh hùng liệt sĩ. Cả nước vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt và hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định danh tính. Nỗi nhớ thương vẫn chôn chặt trong trái tim của đồng chí, đồng đội, của người thân các liệt sĩ, các anh đã anh dũng hy sinh để cho Tổ quốc được sống mãi.

Bài, ảnh: