49 năm non sông một dải: Đất nước 'đàng hoàng hơn, to đẹp hơn'

“Chúng ta có thể tự hào báo công với Bác rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã thực hiện xuất sắc những căn dặn của Người”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng -bày tỏ niềm tự hào trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của ác Hồ (1969-2024), PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng – về vận mệnh, sự đổi thay của kinh tế - xã hội đất nước, sự kế thừa những di nguyện của Bác Hồ kính yêu trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.

PV:Thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, cá nhân ông nhìn nhận và đánh giá thế nào về sự đổi thay của kinh tế - xã hội đất nước ta sau 49 năm ngày “Đất nước trọn niềm vui”?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nói về nền kinh tế của đất nước, Việt Nam đã đổi mới được gần 40 năm tính từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986).

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các cương lĩnh của Đại hội VII, Đại hội XI sau này, chúng ta kiên định xây dựng Nhà nước pháp quyền, đưa nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với rất nhiều loại hình thị trường như: Thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường tiền tệ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ…

Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta tăng rất nhanh.

Nếu tính từ Đại hội VI, lúc đó toàn bộ nền kinh tế của nước ra chưa được 2 tỷ đô la. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê được thông tin rộng rãi, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm. Những con số ấy đã chứng minh sự phát triển vượt bậc về kinh tế đất nước.

Từ thành tựu về phát triển kinh tế đó đã giải quyết được nhiều vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống, nâng cao mức sống, chất lượng cuộc sống của nhân dân. So với trước đổi mới, đời sống nhân dân Việt Nam đã sung sướng hơn rất nhiều. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng tiên tiến, hiện đại, đóng góp lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước đang phát triển mạnh mẽ, tiến tới mục tiêu Đại hội Đảng XIII nêu ra là khát vọng vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tất cả những điểm đó đều khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn.

Trước đây, kinh tế của Việt Nam là tự túc tự cấp, bao cấp, khép kín trong nước, nhưng rồi đã phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ hội nhập kinh tế đi tới hội nhập toàn diện trên các vấn đề khác như chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Nền kinh tế mở của đất nước đã hội nhập thành công.

Hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới; đứng thứ 16 trong top 20 nền kinh tế giàu nhất châu Á;GDP Việt Nam đứng thứ năm Đông Nam Á và được đánh giá là nền kinh tế có sự năng động, sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực và thế giới; đang đứng ở top có thể nói là tốc độ tăng trưởng được các nước khâm phục.

Hiện nay, chúng ta xây dựng nền kinh tế phát triển toàn diện cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, hướng tới nền kinh tế văn minh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chuyển đổi rất năng động hòa vào xu hướng chung của thế giới.

Nhờ vậy, nền kinh tế đã vượt qua được những thách thức vô cùng lớn, từ sự cấm vận của các nước cho đến gần đây là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng nặng nề nhưng Việt Nam đã khôi phục ngoạn mục sau đại dịch.

Trong khi đó, kinh tế phát triển đã thúc đẩy sự phát triển chung của văn hóa, chính trị, xã hội. Chế độ chính trị ưu việt của chúng ta đang xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội, thì kinh tế cũng phải hướng vào mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đó là một nền kinh tế làm cho đời sống của dân tốt lên, mang lại lợi ích cho nhân dân, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, đảm bảo cho cuộc sống, đời sống của nhân dân ngày càng tiến bộ, sung sướng, hạnh phúc.

Mục tiêu hạnh phúc chính là mục tiêu rất lớn của đất nước nhưng trước hết phải trên cơ sở kinh tế. Kinh tế có phát triển thì đời sống người dân mới sung sướng hạnh phúc được.

Nền kinh tế của nước ta đang vận dụng có hiệu quả cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), vận dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo vào phát triển. Hy vọng là chúng ta sẽ thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đến giữa thế kỷ có một đất nước Việt Nam phồn vinh, xây dựng theo con đường chủ nghĩa xã hội. Tất cả phụ thuộc sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm của mỗi người trong thúc đẩy sản xuất và kinh tế phát triển. Bởi vì kinh tế luôn là nền tảng, là cơ sở để xây dựng phát triển xã hội văn minh tiến bộ, xây dựng hệ thống chính trị hiện đại, xây dựng nhà nước pháp quyền đảm bảo vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản ngày càng có hiệu quả và hiệu lực.

PV:Những kết quả đạt được đó, theo ông, xuất phát từ nguyên nhân nào?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi, trước hết đó là do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với đường lối đổi mới, với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung phát triển và không ngừng làm rõ nhận thức thực tiễn và lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với đường lối, chính sách rất cởi mở, thông thoáng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý đất nước bằng pháp luật.

Thứ hai, là do đóng góp của toàn dân gồm có công dân, nông dân, trí thức, tất cả người lao động, doanh nghiệp… Nền kinh tế nhiều thành phần nên ngoài doanh nghiệp Nhà nước còn có các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài… Nhờ những đóng góp lớn lao của toàn dân thì chúng ta mới có được thành tựu phát triển kinh tế như hiện nay.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến là chúng ta đã hội nhập thành công, hội nhập kinh tế quốc tế sau đó là hội nhập quốc tế trên tất cả các phương diện, đảm bảo cho kinh tế thúc đẩy và phát triển nhanh, bền vững.Có thể nói nền kinh tế năng động nhờ hội nhập quốc tế, giải quyết các mối quan hệ với các nước bên ngoài, sự giao lưu với các tổ chức kinh tế, các tổ chức như ASEAN, EU, G7, G20, hay với các quốc gia lớn. Đến nay (tính đến tháng 3/2024), Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Australia (2024).

Một nguyên nhân nữa cũng cần nhấn mạnh, là việc vận dụng thành công thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học, hiện nay là công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo vào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và xây dựng đất nước xã hội ngày càng văn minh tiến bộ bắt kịp với sự phát triển và xu thế phát triển của thời đại.

PV:Với những thành tựu phát triển kinh tế sau 49 năm ngày đất nước thống nhất, ông đánh giá ra sao về việc Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta kế thừa, vận dụng di nguyện của Bác Hồ trong trong phát triển đất nước hôm nay?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Năm nay cũng vừa tròn 55 năm Bác Hồ có di chúc để lại cho dân tộc. Trong bản di chúc của Người có rất nhiều di nguyện, nhưng tôi nói riêng về mặt kinh tế thì có thể thấy rằng, Bác đã căn dặn chúng ta phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Mà muốn đàng hoàng hơn, to đẹp hơn thì trước hết phải xây dựng kinh tế, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của đất nước.

Một điểm nữa trong di chúc Bác căn dặn, Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Như tôi đã nói ở trên, đời sống của nhân dân đã tăng hàng trăm lần so với trước đổi mới, hay thời còn chiến tranh.

Bác cũng căn dặn trong di chúc là không để một lực lượng nào, một người nào bị thiệt thòi trong quá trình kiến tạo xây dựng đất nước. Thì ngày nay, chúng ta có mục tiêu khẩu hiệu “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đó chính là vận dụng ý tưởng, khát vọng, mong muốn của Bác Hồ.

Bác cũng muốn đất nước Việt Nam trở thành đất nước như trong tiêu ngôn của nhà nước nêu là “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, đó là mục tiêu của cách mạng nhưng cũng chính là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác mong đất nước hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do hạnh phúc. Bây giờ, Đảng ta đang tập trung xây dựng đất nước mình thật sự là hạnh phúc, nhân dân được thật sự sung sướng hạnh phúc. Đó chính là vận dụng ý nguyện của Bác.

Ở nhiều địa phương đang có xu hướng xây dựng tỉnh hạnh phúc, huyện xã hạnh phúc, gia đình hạnh phúc… Tất cả những mục tiêu đó đang được thực hiện một cách phong phú, sinh động.

Tất nhiên, muốn xây dựng đất nước phồn vinh, sung sướng, hạnh phúc như ý nguyện của Bác Hồ thì phải huy động sức mạnh của toàn dân, có sự lãnh đạo đúng đắn, có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp thì mới thúc đẩy đất nước phát triển, xử lý các mối quan hệ trong nước cũng như thế giới thật là tốt, giữ gìn hòa bình độc lập, hợp tác cùng phát triển.

Đến bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể tự hào báo công với Bác rằng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã thực hiện xuất sắc lời căn dặn đó của Người trong di chúc.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)