Chàng trai khởi nghiệp với 'nông nghiệp điên', đem rau sạch đổi lấy rác

Cất bằng đại học xây dựng, anh Phạm Hùng Cường (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) quyết tâm trở về quê khởi nghiệp, gây dựng mô hình nông nghiệp sạchtheo hướng đi của mình. Trước đây, vào khoảng năm 2015, anh đã chọn con đường làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống như bao người khác, tức là canh tác theo kiểu sử dụng phân thuốc hóa học.

Anh Cường nhận thấy rằng làm theo cách truyền thống có rất nhiều vấn đề, đất dần bị thoái hóa và sản phẩm nông nghiệp cũng ảnh hưởng chất lượng. Anh suy nghĩ đến việc sẽ làm nông nghiệp theo hướng khác. Sau khi học được cách làm phân vi sinh từ những nguyên liệu có sẵn, giá rẻ lại tiện lợi, đến giữa năm 2020, anh bắt đầu chuyển hướng canh tác, sử dụng toàn bộ phân hữu cơ.

Anh Cường thường xuyên đi đổi rau sạch lấy rác từ các nhà hàng, quán ăn.

Vỏ trứng gà cũng được anh tận dụng để bón phân cho cây.

“Thời điểm đó, tôi từng thất bại với cách làm truyền thống khi trồng măng Tây và nuôi thỏ. Bởi làm nông nghiệp rất rủi ro, muốn giảm rủi ro chỉ có giảm chi phí. Bài toán đặt ra là làm cách nào để giảm chi phí nên khi học được cách làm men vi sinh, tôi như tìm được “chiếc chìa khóa vạn năng” mà có thể giải quyết được tất cả vấn đề”, anh nói.

Vẫn làm mô hình nông nghiệp nuôi thỏ - măng tây, nhưng anh đã làm theo hướng hoàn toàn khác. Anh đi xin và mua lại tại các cửa hàng, quán ăn phần “rác”, đó là những thức ăn thừa, rau củ quả hư, các loại phế phụ phẩm của nông nghiệp, gọi chung là rác hữu cơ. Lấy “rác” về, anh dùng kiến thức đã học để làm phân hữu cơ rồi bón cho măng tây.

Măng tây thu hoạch được, thường chỉ lấy khoảng 20-25cm đoạn đầu non để bán còn phần gốc sẽ bỏ đi. Anh Cường tiếp tục tận dụng phần bỏ đi này để cho thỏ ăn. Rồi anh tận dụng phân thỏ để bón ngược lại cho măng tây.

Măng tây, hành và ớt đều được anh bón phân hữu cơ.

Ban đầu khi chưa có nhiều vốn, anh thường đi xin rác tại các nhà hàng quán ăn và nhiều người vẫn nói anh bị điên. Nhưng anh đều mặc kệ, miễn là nó giúp ích cho quá trình khởi nghiệp của mình. Sau này, anh phải bỏ tiền ra mua và đến giờ là anh sử dụng rau sạch nhà mình để đi đổi lấy rác và mọi người đều vui vẻ nhận.

Đến nay, anh cũng mở rộng, trồng thêm hành tím và ớt theo đơn đặt hàng của các cửa hàng nông sản sạch do cách làm nông nghiệp tử tế của anh.

Tính riêng trại của anh, anh chỉ có 40 con thỏ nái, tổng đàn hơn 100 con; còn toàn hợp tác xã có khoảng 1000 con thỏ sinh sản, bình quân 1 tuần xuất 1 tấn thịt. Còn diện tích cây trồng vào khoảng hơn 3ha.

Anh Cường đang bón phân cho măng tây.

Tiết lộ về mức thu nhập từ mô hình này, anh chia sẻ: “Làm nông nghiệp không lãi cao đâu, nó còn khá bấp bênh vì phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi, môt ha măng tây 1 năm sẽ thu được khoảng 100-200 triệu đồng. Còn nếu nuôi 20 con thỏ nái, người nuôi sẽ thu được khoảng khoảng 85 triệu đồng/năm”.

Khi hỏi đến khó khăn khi mới bắt đầu đi theo con đường mới, anh vẫn cười nói lạc quan và bảo chẳng có gì khó khăn cả, ngoài việc bản thân phải quyết tâm và kiên trì, cộng khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng con đường nông nghiệp hữu cơ.

Anh nuôi thỏ để lấy phân bón cho cây, còn lấy phần gốc của măng tây để cho thỏ ăn.

Anh cũng như bao người khác, khi mới bắt đầu đi theo con đường mới, anh nhận hàng loạt sự phản đối của các thành viên trong gia đình. Nhưng qua thời gian, anh chứng minh được cho mọi người thấy hướng đi của mình đúng đắn và có tương lai. Đến nay, bố mẹ cũng ủng hộ anh và người dân quanh vùng tin tưởng, ủng hộ và làm hợp tác xã cùng anh.

Dù mọi thứ vẫn diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch, anh Cường vẫn luôn tìm kiếm cái mới để dự phòng khi hướng đi này có vấn đề.

Theo Anh Thư/ Dân Việt