Ăn theo Michelin Guide, có xứng như lời đồn?

Chi 14 triệu đồng cho bữa ăn tại một nhà hàng thuộc danh sách Guide tại TP.HCM, Vi Hạ Lam lắc đầu vì chất lượng món ăn không như kỳ vọng.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, cô cho biết từng 3 lần dùng bữa tại nhà hàng fine dining này. 2 lần đầu, trước khi quán được vinh danh trong cẩm nang Michelin, cô no bụng và cảm thấy "bùng nổ" vị giác với khẩu phần ăn 4 món.

Tuy nhiên, lần thứ 3 trở lại cùng 3 người bạn, nhóm order menu 9 món nhưng vẫn đói bụng. Chất lượng món ăn không còn gây bất ngờ, chưa kể giá tăng cao so với thời điểm trước đây.

"Đây cũng là lần cuối tôi đặt chân đến quán này", Hạ Lam nói.

Tính tin cậy?

Được xuất bản lần đầu vào năm 1900, Michelin Guide trở thành cuốn cẩm nang cung cấp thông tin về khách sạn, nhà hàng và đường sá uy tín trên toàn ế giới

Với nhiều người, đây là biểu tượng của nền ẩm thực với nhiều tiêu chí khắt khe. Có tên trong danh sách này là ước mơ của nhiều chủ nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, không ít lần công bố của Michelin Guide gây tranh cãi khi không thuyết phục được thực khách, đặc biệt là người dân địa phương.

Vi Hạ Lam chia sẻ: "Không phải món nào trong sổ tay Michelin cũng dở, tôi từng thử nhiều quán rất ngon. Tuy nhiên, nhiều trong số đó không như kỳ vọng, không thể đứng ra làm đại diện cho ẩm thực địa phương".

Trải nghiệm ẩm thực chiếm 70% các hoạt động trong chuyến du lịch của nữ thực khách. Ảnh: Vi Hạ Lam.

Ngày 20/6, sau khi Michelin công bố 42 nhà hàng Việt có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng (Bib Gourmand) 2024 với sự vắng bóng của bún bò, bánh mì, Hạ Lam bày tỏ sự nghi vấn: "Liệu Michelin có đáng được tin cậy hay không?".

Đồng quan điểm với nữ thực khách trên, Thiên Trang (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng danh sách trên còn thiếu nhiều món ăn ngon của Việt Nam trong cùng phân khúc.

"Tôi cảm thấy Michelin chưa thực sự thấu hiểu món ăn Việt Nam", Thiên Trang chia sẻ. Sự xuất hiện của một nhà hàng Quảng Đông trong danh sách trên khiến cô khó hiểu.

Thiên Trang dành thời gian rảnh tìm kiếm nhiều trải nghiệm ẩm thực mới tại hàng chục tỉnh thành cô đã đặt chân đến. Ảnh: Lê Ngọc Thiên Trang.

Bên cạnh hương vị, Thiên Trang còn chú trọng đến không gian quán, cách trình bày và phục vụ món ăn.

"Với sự tò mò, tôi đã đến và thưởng thức khá nhiều hàng quán trong Michelin Guide. Tuy nhiên, nhiều nơi không thật sự xứng đáng đại điện cho ẩm thực Việt", Trang nói.

Cô cho rằng việc Michelin Guide được nhiều du khách tin tưởng lựa chọn khi đi du lịch, nhưng sự lựa chọn trong đó chưa thực sự phù hợp để khách quốc tế có trải nghiệm trọn vẹn nhất về ẩm thực Việt.

Ẩm thực là những trải nghiệm

May mắn hơn 2 nữ thực khách trên, Đỗ Nhật (sống tại Hà Nội) lại có nhiều trải nghiệm tốt khi thưởng thức ẩm thực dựa trên gợi ý của Michelin Guide.

"Tôi thích đi theo Michelin Guide và muốn trải nghiệm xem vì sao các hàng quán này lại được vinh danh trong cuốn cẩm nang", cô nói. Đỗ Nhật đã thử qua những nhà hàng bình dân và cả fine dining, trải nghiệm đều rất ổn.

"Có lần tôi đi ăn với nhóm bạn tại một nhà hàng trên đường Tống Hữu Định (TP Thủ Đức, TP.HCM), mọi thứ rất tuyệt. Không gian với nhiều cây xanh rất đẹp, nhân viên nhẹ nhàng, chu đáo, thức ăn thuần Việt nhưng được chế biến sáng tạo, trình bày đẹp mắt", Nhật nói.

Nữ thực khách cho biết cô rất thích cách nhà hàng tôn vinh ẩm thực Việt, đồ ăn vẫn ngon và đậm chất Việt khi chế biến với sốt me, sốt tỏi chua ngọt nhưng vẫn mang đến cảm giác sang trọng.

"Tôi rất hào hứng trước sự kiện công bố các nhà hàng, quán ăn có mặt trong danh sách Michelin Guide 2024. Tôi sẽ đi thử xem các đầu bếp Michelin nêm nếm thế nào", Đỗ Nhật chia sẻ thêm.

Đỗ Nhật hào hứng khi sắp được trải nghiệm ẩm thực Michelin 2024. Ảnh: Đỗ Nhật.

Bên cạnh những tranh cãi trên mạng xã hội sau khi danh sách Bib Gourmand 2024 được công bố, cũng như Đỗ Nhật, Thanh Trà (sống tại TP Thủ Đức) đang rất trông chờ về kết quả lần này.

"Tôi hy vọng những món ăn quốc hồn quốc túy như bánh mì của Việt Nam sẽ có mặt trong danh sách để thực khách biết đến nhiều hơn", Trà nói. Anh cũng bày tỏ sự hồi hộp về việc những quán ăn yêu thích của anh liệu có vinh dự góp mặt trong cuốn cẩm nang này hay không.

"Ẩm thực cũng chỉ là những trải nghiệm. Tôi sẽ đi thử những gợi ý của Michelin 2024, nhưng trước đó tôi sẽ kiểm tra đánh giá thực tế của người dùng để đánh bị thất vọng", Trà chia sẻ.

Trước khi đến Việt Nam, sổ tay Michelin đã không ít lần gây tranh cãi ở những quốc gia khác, đặc biệt là khu vực châu Á.

Khi Michelin đến Nhật Bản, các nhà phê bình ẩm thực, tạp chí ẩm thực và cả thống đốc Tokyo đã đặt câu hỏi về các tiêu chí lựa chọn nhà hàng và đánh giá xếp hạng. Một số đầu bếp còn tuyên bố rằng họ đã từ chối cơ hội được ghi danh trong cuốn cẩm nang này.

Đầu bếp Toshiya Kadowaki đã nói trong một cuộc phỏng vấn: "Ẩm thực Nhật Bản được tạo ra ở đây và chỉ có người Nhật biết. Làm sao một nhóm người nước ngoài có thể đến và chỉ cho chúng tôi biết điều gì là tốt hay xấu?".

Bên cạnh đó, nhiều người dân Tokyo cho rằng Michelin Guide đã xếp hạng cao cho những nhà hàng không có gì nổi bật khiến họ suy đoán rằng đây thực chất có thể là một chiêu trò tiếp thị.

Toru Kenjo, giám đốc nhà xuất bản Gentosha, cho biết: "Bất cứ ai biết về các nhà hàng ở Tokyo đều biết rằng những ngôi sao này thật lố bịch".

Khi Michelin Guide lần đầu được giới thiệu tại Kong và Ma Cau cũng đã hứng chịu sự tức giận và phản đối kịch liệt của người dân địa phương.

"Làm thế nào mà người nước ngoài có thể hiểu được ẩm thực Hong Kong? Tại sao những nơi được chọn đều là những nhà hàng cao cấp đắt tiền?...", một loạt những lời phàn nàn được chia sẻ trên các tạp chí địa phương.

Thế nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng ánh sáng rực rỡ của ngôi sao Michelin sẽ mang đến động lực thúc đẩy du lịch ẩm thực. Giống như việc các địa điểm tham quan được công nhận là Di sản Thế giới UNESCO sẽ giúp nơi này trở thành nơi không thể bỏ qua đối với khách du lịch. Một nhà hàng hoặc quán ăn được gắn sao Michelin cũng nhận được hiệu ứng tương tự, trở thành nơi trải nghiệm của người dân và cả du khách.

Linh Huỳnh