Định hướng lớn cho ngành Nông nghiệp phát triển

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh:C. Nghĩa

* Ông có nhận định gì khi dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ mục tiêu hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn?

- Theo tôi, nông dân đã nhận thức về việc này và những rủi ro thị trường của nó mang lại. Tuy nhiên, quán tính của người nông dân và cách sản xuất lạm dụng yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định vẫn tồn tại. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp phải xác định không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái hay mất đi đa dạng sinh học, thậm chí là uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam.

Mọi sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn nên nông dân cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành Nông nghiệp lạm dụng đầu vào thành một nền nông nghiệp “thuận thiên”. Nông dân sẽ thấy hiệu quả của nông sản chất lượng, vì khi thương hiệu nông sản được nâng lên thì giá bán cũng cao lên, từ đó người nông dân không chỉ sống tốt mà còn giàu lên nhờ nông nghiệp.

* Theo ông, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045 thì nông nghiệp sẽ có vai trò như thế nào?

- Theo tôi, thay đổi nhận thức chỉ hỗ trợ đầu vào cho sản lượng cao lên, tiến tới phải kích hoạt để tạo được đầu ra ổn định. Khi đó đầu vào sẽ tự động điều chỉnh và co giãn theo thị trường. Lúc đó chúng ta không chỉ có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở nhóm đầu thế giới, mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản của mình. Đó mới là hình ảnh nông nghiệp của chúng ta trong tương lai.

Để có được điều đó phải có sự tham gia của các viện, trường, chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý, rất nhiều bộ, ngành khác nhau... Liên kết giữa các vùng nguyên liệu, thông tin thị trường cần được cập nhật thường xuyên đến người sản xuất... Chúng ta hay nói nông dân làm theo đám đông, thấy người khác làm thì cũng làm. Nói vậy cũng hơi “oan” cho người nông dân vì họ đâu biết về thị trường, thấy ông chủ vườn kế bên trúng quả mắc mớ gì không chạy theo, đốn cây này trồng cây kia? Như vậy rõ ràng là có lỗ hổng trong thông tin thị trường, trong sự khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

* Theo ông, nông nghiệp Việt Nam nên học hỏi gì từ những nước nông nghiệp công nghệ cao của thế giới?

- Chúng ta đã giao lưu, chắt lọc các kinh nghiệm, giá trị trong phát triển nông nghiệp của các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Thái Lan... Khi giao lưu thì phải tìm ra được “từ khóa” vì mỗi đất nước, mỗi quốc gia có lịch sử, văn hóa và xuất phát điểm khác nhau để chúng ta có thể học hỏi được.

Xin cảm ơn ông!

Thành Nam (ghi)