'Vùng đất câm lặng' gây sợ hãi đến mức nào

Được ví như “vị vua không ngai” của dòng phim kinh dị hiện đại, A Quiet Place được thai nghén bởi John Krasinski - đồng đạo diễn kiêm diễn viên chính trong phim.

Ít ai biết, thời điểm ra mắt, tác phẩm ăn khách này từng khiến không ít chủ rạp bức xúc vì sự tác động tới hành vi khán giả. Cụ thể, khán giả thường có xu hướng không mua bỏng nước - một nguồn thu không nhỏ cho nhà rạp, do lo sợ việc ăn uống sẽ phát nên âm thanh, hủy hoại bầu không khí đặc biệt mà tác phẩm tạo ra.

Nói vậy để thấy sự độc đáo trong trải nghiệm thưởng thức A Quiet Place là chìa khóa dẫn đến thành công của tựa phim này. Đó nay, phim kinh dị hay chẳng thiếu, nhưng để độc đáo như đứa con tinh thần của John Krasinski lại không nhiều.

Theo vị đạo diễn huyền thoại Wes Craven, phim kinh dị không tạo ra nỗi sợ hãi. Chúng giải phóng nó. Thế nhưng làm thế nào để giải phóng nỗi sợ trong tâm trí khán giả một cách hiệu quả vẫn là thách thức không nhỏ với các nhà làm phim.

Im lặng nhấn chìm người xem

Nhiều cây bút phê bình có cùng nhận định A Quiet Place (tựa Việt: Vùng đất câm lặng) là nét chấm phá đặc sắc của thể loại kinh dị/giật gân. Từ ý tưởng độc lạ, công thức pha trộn hài hòa giữa nỗi sợ hãi, ngột ngạt và sự ám ảnh, cùng cách dẫn chuyện thông minh, mượn âm thanh khuấy động xúc cảm người xem...

Tất cả tạo nên trải nghiệm có 1-0-2, hoàn toàn khác biệt so với nhiều cái tên cùng thể loại đã và đang trở nên bão hòa giữa thị trường phim biến hóa sôi động.

A Quiet Place thu về 340 triệu USD với kinh phí sản xuất chỉ 17 triệu USD.

Không lạm dụng jump-scare (cảnh hù dọa), A Quiet Place đưa người xem vào hành trình khám phá nỗi sợ bằng sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Lấy bối cảnh hậu tận thế, tác phẩm mở ra ế giới dần tàn lụi khi con người phải đối mặt với loài quái vật sở hữu đôi tai cực thính, chực chờ kết liễu bất cứ nạn nhân nào phát ra tiếng động lớn.

Khác với thế giới thông thường, khi vấn đề có thể giải quyết bằng cách đối thoại, mọi việc trong A Quiet Place cần phải diễn ra trong im lặng. Muốn giữ mạng, người ta chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu (sign language) để trao đổi thông tin. Điều này khiến cả hành trình phim kẹt trong không khí bí bách, làm người xem bức bối như đang bị ai đó bóp nghẹt.

Việc hạn chế nói chuyện cũng khiến những cảm xúc hay nỗi đau không thể cất thành lời. Chúng bị dằn xuống, ép buộc phải nuốt trôi trong sự bất lực, tuyệt vọng của nhân vật. Chất kịch tính trong tác phẩm nhờ đó mà tăng theo cấp số nhân. Việc “phong bế” giác quan mang đến cảm giác vừa căng thẳng, cũng không kém phần kích thích. Điều khiến khán giả nín thở mong chờ là làm thế nào mà nhân vật có thể sống sót, sau khi bị đặt vào những thách thức tưởng chừng như bất khả kháng.

Công thức này tiếp tục được nhân bản sang phần phim tiếp theo ra mắt năm 2020. Không có những kẻ ngốc nghếch chỉ biết đâm đầu vào chỗ chết, thương hiệu A Quiet Place mang đến những cá nhân với tinh thần thép và sức sống mãnh liệt. Họ thông minh, luôn nắm rõ luật chơi và biết cách giành giật sự sống trước những kẻ săn mồi.

Tạm biệt nguyên mẫu nhân vật (archetype) ngu ngốc kinh điển trong dòng phim kinh dị, đứa con tinh thần của John Krasinski tránh khỏi vũng lầy của việc “kéo IQ người xem về con số 0”.

Nỗi sợ hãi dâng trào từ sự im lặng.

Bên cạnh những chất liệu độc đáo đó, thương hiệu kinh dị nhà Platinum Dunes còn hấp dẫn nhờ cách thiết lập hệ thống nhân vật và sự tỉ mỉ trong việc lột tả diễn biến tâm lý. Ai trong số họ cũng có một hành trình rõ ràng, từng bước tiến ra khỏi “vùng an toàn” để đạt được ngưỡng trưởng thành về tính cách, bản ngã.

Những điểm cộng này làm người xem sẵn lòng bỏ qua một vài “plot-hole” lớn của phim, đơn cử như việc thay vì chọn sống cạnh thác nước an toàn, cả nhóm nhân vật vẫn chui lủi trong ngôi nhà cũ, hay giữa tình cảnh tận thế khốc liệt, vợ chồng nhà Lee và Evelyn lại quyết định mang bầu đứa con thứ 4...

Trở lại “Day One”

Một điều không thể phủ nhận là chỉ sau 2 phần, A Quiet Place đã trở thành một cái tên có chỗ đứng vững chắc tại dòng phim kinh dị. Với dấu ấn khó trộn lẫn, thương hiệu này làm người ta nhớ ngay tới mùi vị nỗi sợ bao trùm bởi sự im lặng ngay khi nhắc đến. Giữa một rừng phim kinh dị với những ngôi nhà ma ám, xác sống, quỷ dữ hay sát nhân… A Quiet Place lại tìm được hướng đi khác biệt cho riêng mình, thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả.

Thế nhưng phải 4 năm sau thành công của phần 2, xưởng phim Platinum Dunes mới quyết định đem cái tên này quay lại với phần tiền truyện Day One, dắt người xem trở về “ngày thứ nhất”, thời điểm lũ quái vật đổ bộ.

Lần này, John Krasinski lùi về chiếc ghế sản xuất, nhường lại vị trí đạo diễn cho Michael Sarnoski, gương mặt đứng sau thành công của Pig và mới đây nhất là IF (Imaginary Friends).

A Quiet Place: Day One ra rạp từ ngày 28/6.

Phần phim mới có sự chuyển dịch bối cảnh, từ vùng ngoại ô hẻo lánh sang đô thị New York. Điều này không hề tác động tới bầu không khí “im lặng”, vốn là đặc sản của A Quiet Place. Trái lại, sự đối lập càng tăng lên gấp bội khi nền văn minh sụp đổ, lũ quái vật ập đến và hủy diệt thành phố, biến New York từ một trung tâm nhộn nhịp, xô bồ thoáng chốc trở nên yên ắng.

Đem khán giả trở lại ngày đầu tiên của thảm họa, điều mà A Quiet Place: Day One hướng đến là giải thích nguồn gốc và đặc điểm của lũ quái vật ngoài hành tinh, yếu tố còn bị bỏ ngỏ, gây nhiều thắc mắc kể từ hai phần trước đó.

Sau các buổi chiếu đặc biệt, tiền truyện A Quiet Place nhận về không ít lời khen ngợi từ các cây bút phê bình quốc tế. Tờ Toronto Sun nhận xét sự căng thẳng tiếp tục dâng cao hơn so với hai phần đầu tiên. Song, cốt lõi của phim vẫn là câu chuyện cảm động về hai con người lạc lối tìm lại chính mình. Trong khi đó, Rachel Leishman của tờ Mary Sue cho rằng màn trình diễn tuyệt vời của Lupita Nyong'o xứng đáng nhận được tượng vàng Oscar.

“Phần phim cho thấy vũ trụ A Quiet Place vẫn còn nhiều điều để khám phá. Tôi thậm chí có thể nghe thấy tiếng rơi của một chiếc ghim trong rạp vì mọi người đều tập trung vào những gì sẽ xảy ra trên màn ảnh. Biên kịch kiêm đạo diễn Michael Sarnoski đã tận dụng rất tốt các góc quay cận cảnh, khiến bạn cảm nhận được những gì các nhân vật đang trải qua”, cây bút Steven Weintraub của tờ Collider đánh giá về phim.

Tống Khang