Xác định Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm

Phạm vi lập quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã thống nhất với Quy hoạch Thủ đô à Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng có năm trục không gian chính. Trong đó, trục không gian Sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.

Trục Hồ Tây-Ba Vì, kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long-Xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với thành phố phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận.

Tại nghiên cứu lần này được vi chỉnh hướng tuyến giao thông Trục Hồ Tây-Ba Vì phù hợp với điều kiện thực tế, không gian cảnh quan và tính khả thi triển khai đầu tư xây dựng.

Trục không gian Hồ Tây-Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử. Bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa trở thành không gian văn hóa lịch sử và văn hóa sáng tạo của tương lai.

Trục Nhật Tân-Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long- Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai- Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và Thành phố phía bắc.

Thành phố cũng định hướng phát triển mới trục không gian phía nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình-Ba Sao-Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long-Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn-Tam Chúc, sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị vệ tinh Phú Xuyên, đồng bộ với trục quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía nam, tạo dư địa và động lực phát triển mới.

Tham gia thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với Đồ án. Các nội dung cơ bản tập trung vào chín nhóm ý kiến, nổi bật là đề xuất điều chỉnh quy hoạch thành phố phía bắc.

Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất với ý kiến Đông Anh được định hướng là đô thị trung tâm của thành phố.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất với ý kiến Đông Anh được định hướng là đô thị trung tâm của thành phố.

Các đại biểu cũng đề xuất xác định Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế-xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông; sự cần thiết xây dựng Chương trình phát triển đô thị thành phố, trong đó sẽ xác định Chương trình tái thiết đô thị đoạn sông Hồng đi qua địa bàn các quận trung tâm thành phố và các khu vực cần tái thiết tại các quận nội đô…

Theo ông Nguyễn Trọng Đông, đây là những nội dung rất quan trọng được xác định trong đồ án. Nếu triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, cải tạo môi trường, cảnh quan hai bên sông đạt hiệu quả thì sẽ cơ bản tạo dựng được bộ mặt đô thị toàn thành phố xanh, sạch, đẹp…

Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về việc bảo tồn, phát huy các công trình di sản khu vực nội đô lịch sử, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, Đồ án vẫn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. UBND các quận trong khu vực trung tâm tiếp tục quán triệt công tác quản lý và tích cực chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể hóa quy hoạch.

Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố cũng khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến liên quan đến việc phát triển sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô tại phía Nam thành phố; đề nghị tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, nâng cấp loại đô thị; nghiên cứu đề xuất sân bay lưỡng dụng; cải tạo, quy hoạch khu vực nông thôn; phát triển du lịch dọc sông Đà, xã đảo Minh Châu; rà soát các số liệu diện tích quy hoạch đất rừng tại khu vực Sóc Sơn và Ba Vì…