Nữ sinh đỗ đại học top đầu châu Á nhờ năng khiếu móc len

Hà Linh tự nhận xét điểm số và thành tích học tập của mình không phải là điểm mạnh khi so sánh với những thí sinh khác, em chinh phục ban giám khảo nhờ hồ sơ thể hiện khả năng lãnh đạo và sự sáng tạo.

Thuyết phục ban giám khảo qua bài luận về móc len

Về mong muốn đi du học, Hà Linh cho hay, điều này xuất phát từ việc em muốn được cạnh tranh và cọ xát với những môi trường mới. Linh chọn làm địa điểm du học bởi Singapore khá gần Việt Nam so với một số quốc gia mà mọi người thường chọn du học, giúp việc thăm gia đình dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Hà Linh cũng từng có trải nghiệm tới Singapore khi đang học lớp 5 nhờ tham gia một trại hè tổ chức tại quốc gia này. Qua chuyến đi, Linh cảm thấy rất thích môi trường tại Singapore và quyết định nộp hồ sơ vào các trường đại học tại đây.

Trong quá trình nộp hồ sơ, Linh cảm thấy thành tích học thuật và số điểm 8.0 và SAT 1440 của mình vẫn chưa đủ cạnh tranh bởi các trường đại học tại Singapore rất thích các ứng viên có thành tích học thuật cao.

Khi đó, NUS cũng yêu cầu ứng viên nộp 5 bài luận, một bài luận yêu cầu 1100 ký tự và 4 bài khác yêu cầu 550 ký tự. Viết luận Linh cảm thấy khó khăn vì đã quen viết luận dài, nhưng giờ lại phải gói gọn nội dung trong số ký tự giới hạn.

Ngoài ra, việc tìm ra đặc điểm nổi bật để thể hiện trong bài luận cũng là một thử thách với Linh. Em khá lo lắng vì có rất nhiều ứng viên sở hữu những câu chuyện đặc biệt và chuẩn bị từ rất sớm.

Phan Trần Thùy Linh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã xuất sắc trúng tuyển Đại học Quốc gia Singapore (NUS) (Ảnh: NVCC).

Linh đã cân nhắc rất nhiều để chọn được câu chuyện vừa thể hiện được sở thích, vừa cho thấy cơ hội để bản thân phát triển. Cuối cùng, Linh quyết định viết về đam mê móc len.

Theo Linh, lý do khiến NUS nhận em là bởi sự cân bằng giữa học tập, nghiên cứu, hoạt động ngoại khóa và màu sắc cá nhân thể hiện qua các yếu tố đó. Từ năm lớp 10, Linh đã tham gia và sau đó trở thành phó ban nội dung của câu lạc bộ về môi trường trong trường học.

Từ đây, Linh nhận ra bản thân có niềm đam mê với lĩnh vực Marketing khi đảm nhiệm các vị trí liên quan đến truyền thông. Linh tự học và tiếp tục phát triển bản thân trong lĩnh vực này bằng cách thực chiến nhiều hơn qua các dự án và học thêm về Marketing trên nền tảng Coursera.

Năm lớp 11, Linh thực tập tại công ty dược mỹ phẩm với vị trí thực tập sinh Marketing. Ngoài ra, Linh cũng tham gia nghiên cứu khoa học với dưới sự hướng dẫn của một phó giáo viên tại Trường Đại học Ngoại thương với chủ đề về nhu cầu của khách hàng khi sử dụng các sản phẩm trị mụn và được đăng trên tạp chí khoa học.

Bên cạnh đó, Linh cũng có trải nghiệm khởi nghiệp với cửa hàng bán đồ móc len online trên mạng xã hội Instagram. Khi có khách mới vào, em thường xuyên tìm hiểu khách hàng của mình xem họ là ai, thường sẽ sẵn sàng chi tiêu bao nhiêu, từ đó đưa ra các mức giá phù hợp cho sản phẩm của mình để thu hút thêm nhiều khách hàng.

Được biết, sở thích đan len của Linh đến từ việc mong muốn được tặng những người bạn thân của mình những món quà ý nghĩa, độc đáo, không thể tìm thấy ở đâu. Linh quyết định chọn làm các sản phẩm móc len và cảm thấy mình khá có “năng khiếu” đối với bộ môn này.

Trong quá trình bán hàng, Linh tự mày mò tìm cách quảng bá cho sản phẩm, tự chụp ảnh, quay video, thiết kế các bài đăng trên mạng xã hội. Các khâu quản trị, đóng gói và gửi hàng đến tay khách cũng do Linh tự học hỏi và quản lý.

Làm thiện nguyện xuất phát từ mong muốn, sở thích

Vừa qua, Linh cũng đã trở thành Quán quân trong cuộc thi AI Innovator Challenge nhờ việc tạo ra một ứng dụng chuyển đổi giọng nói sang ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính.

Cảm hứng cho ý tưởng của Linh đến từ việc Linh nhận thấy khó khăn trong giao tiếp của các em nhỏ câm điếc tại mái ấm Thụy An trong một chuyến đi thiện nguyện. Nhờ đó, Linh nghĩ ra ý tưởng sử dụng AI để tạo ra một ứng dụng dịch thuật, giúp chuyển tải mọi thông tin từ giọng nói, hình ảnh, clip, video thành ngôn ngữ ký hiệu và ngược lại, từ đó hỗ trợ người khuyết tật giao tiếp hiệu quả. Sản phẩm đã giúp Linh giành giải Nhất tại cuộc thi.

“Tất cả những gì em làm đều bắt nguồn từ niềm đam mê và sở thích, nên em không cảm thấy áp lực trong quá trình thực hiện. Em yêu thích nghiên cứu về môi trường và tham gia các hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như các dự án hỗ trợ người khiếm thính và khiếm thị,” Linh chia sẻ.

Hà Linh (bên trái) hướng dẫn các bạn đan len trong buổi workshop tự tổ chức (Ảnh: VNCC).

Linh cho biết thêm rằng nguồn động lực này một phần đến từ ông ngoại của em, người đã truyền cảm hứng cho em trong học tập và cuộc sống. Ông gặp khó khăn về thính giác, khiến Linh càng hiểu rõ hơn về giá trị của những hoạt động này.

Dự án “Ad Flora” (Tạm dịch: hướng tới thiên nhiên) là một trong những dự án tâm huyết của Linh, nhằm kêu gọi mọi người quyên góp quần áo cũ. Những chiếc áo đẹp và dày dặn sẽ được gửi tặng tới “Mái Ấm Thánh Tâm”, nơi thu nhận và cưu mang các cụ già và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, bị bỏ rơi hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo.

Với những trang phục quá cũ không thể quyên góp sẽ được, Linh cắt ra và đan thành những sản phẩm thủ công và đem bán. Bên cạnh đó, em còn tổ chức các buổi workshop dạy móc và tái chế len cho các em nhỏ tại đây.

Số tiền thu được từ việc bán các sản phẩm thủ công và kinh doanh đồ móc len của Linh đều được dùng để ủng hộ đồ ăn, đồ uống mọi người đang sinh sống tại mái ấm.

Nỗ lực nhờ lời động viên từ thần tượng

So với những bạn người xung quanh có cùng mục tiêu du học, Linh bắt đầu hành trình của mình khá muộn. Đầu năm lớp 12, Linh mới bắt tay vào xây dựng hồ sơ du học của bản thân.

Linh cũng chọn tự học thay vì đi học thêm như nhiều bạn cùng trang lứa. Điều này đôi khi khiến em cảm thấy bị tụt lại so với mọi người và trở nên căng thẳng.

Linh kể rằng trong một bài luận yêu cầu 550 ký tự nộp cho NUS, với câu hỏi “Hãy kể cho tôi nghe về một điều có ý nghĩa với bạn và tại sao”, Linh đã viết về một nhóm bạn đặc biệt của em và câu nói của một ca sĩ Hàn Quốc nổi tiếng, cũng là thần tượng của Linh.

“Em tham gia vào cộng đồng người hâm mộ của nhóm nhạc Stray Kids và có được một nhóm bạn bao gồm những người bạn ngoại quốc. Những lúc gặp khó khăn, em thường tâm sự với các bạn và tìm được tiếng nói chung, điều khiến em cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Họ giúp em cảm thấy bớt căng thẳng hơn.

Bên cạnh đó, ca sĩ Hyunjin đến từ nhóm nhạc Stray Kids cũng truyền cảm hứng cho em nhờ câu nói: “Nếu như bạn đang thụt lùi một chút, chẳng phải bạn đang có thêm cả một quãng đường dài để bay cao hơn hay sao”.

Điều này giúp em hiểu ra rằng những khi cảm thấy bị tụt lại đó chính là những lúc em cần nghỉ ngơi, lấy đà để bước xa hơn”, Linh chia sẻ.

Lời khuyên của Linh dành cho các bạn đang có ý định du học chính là hãy tìm ra thứ mình thích và nỗ lực “chăm sóc” cho những điều mình tâm huyết. Hãy mạnh dạn ra khỏi vùng an toàn, bởi càng nỗ lực bước tiếp, bạn sẽ dần nhìn rõ con đường của mình và cảm thấy an tâm.

Mỹ Hạnh

PV