Vẻ đẹp văn hóa áo chàm của người dân tộc Tày

Nét đẹp văn hóa của áo chàm ẩn chứa bên trong sự khéo léo của người con gái Tày

Câu lạc bộ (CLB) Lượn Cọi, là CLB bảo tồn và phát huy giá trị trang phục dân tộc truyền thống xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực phát huy và bảo tồn trang phục dân tộc đậm bản sắc này.

Chị Chu Thị Toan, thành viên CLB

Người Tày ở Nhạn Môn trồng cây lúa nước để ăn no cái bụng, trồng cây bông để se sợi, dệt vải, tìm cây lá để nhuộm màu. Họ có tục trồng bông trên núi, tranh thủ lúc nông nhàn để se sợi, dệt vải...

Áo, váy chàm của người Tày có từ bao giờ cũng không biết nữa, bởi khi những cô gái Tày lớn lên đã thấy nó rồi. Những nét đẹp văn hóa của áo chàm không chỉ ở bên ngoài, nó còn ẩn chứa bên trong sự thùy mị, nết na, khéo léo của người con gái Tày trong tà áo chàm thấp thoáng ngập ngừng: "Em đi chợ hội hương rừng bay theo tiếng si lơ lửng đỉnh đèo/Bóng áo chàm để nắng chiều lưng lưng".

Đối với một dân tộc, bản sắc văn hóa là một giá trị có ý nghĩa tâm linh truyền thống cao quý thiêng liêng. Khi tìm hiểu về thời trang và cách làm đẹp của người con gái dân tộc Tày, có thể thấy bề dày truyền thống văn hóa đáng tự hào. Ở đó, trang phục người phụ nữ dân tộc chiếm một vị trí đặc biệt, góp phần tô điểm thêm bức tranh 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ trọn vẹn, một tập thể hài hòa bản sắc văn hóa Việt.

Trang phục của người Tày gồm áo dài làm bằng vải chính tay người phụ nữ tự trồng bông, se sợi rồi dệt bằng khung cửi thành tấm vải rồi nhuộm lá chàm

Chị Chu Thị Toan, thành viên CLB cho biết, bộ trang phục của người Tày gồm áo dài làm bằng vải do chính tay người phụ nữ trồng bông, se sợi rồi dệt bằng khung cửi thành tấm vải rồi nhuộm lá chàm. Áo xẻ hai tà, quần lụa, có đai thắt lưng dài khoảng 2 mét làm bằng vải chàm. Khi mặc áo chàm, phụ nữ Tày tóc quấn ngang, đội khăn vuông cũng làm bằng lá chàm do chị em tự cắt may bằng thủ công. Rồi kèm với đó là đeo vòng cổ, bộ xà tích và vòng tay được làm bằng bạc để tô điểm cho vẻ đẹp của người phụ nữ Tày.

Khi mặc áo chàm, phụ nữ Tày tóc quấn ngang, đội khăn vuông cũng làm bằng lá chàm do chị em tự cắt may bằng thủ công

"Những nét đẹp này không phải đâu cũng có và giữ được. CLB hoạt động với mục đích nhằm phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Tày và truyền bá lại cho con cháu đời sau, giữ cho bản sắc văn hóa trang phục không mai một", chị Toan chia sẻ.

Trang phục áo bà ba tím của nữ được mặc bên trong áo chàm để thành cặp áo tứ thân

CLB được thành lập từ tháng 9/2021, có 25 thành viên tham gia, trong đó có 17 thành viên nữ, 8 thành viên nam. Các thành viên tham gia trình diễn trang phục, hát Then – Đàn Tính, giới thiệu cách dệt vải, quy trình may áo chàm… vào những dịp lễ hội. Áo chàm cũng được phát huy trong trong đám cưới, lễ đầy tháng, lễ vào nhà mới…

Để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, CLB đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá và phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch, tổ chức lễ hội. Đồng thời, truyền dạy kỹ thuật dệt vải, cắt may cho con cháu các thành viên CLB và những người yêu thích trang phục truyền thống này.

Theo chị Toan, điều đáng mừng nhất là hiện nay, văn hóa dệt áo chàm vẫn còn lưu giữ được tại huyện Pác Nặm. Bởi vậy, CLB mong muốn các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa có chính sách riêng để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa trang phục của dân tộc.

Trang phục dân tộc Tày của nam giới

"Trong thời đại ngày nay, các thế hệ trẻ hầu như không còn quan tâm nhiều đến nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy tôi rất mong mọi người bảo tồn và phát huy gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc và truyền bá lại cho con cháu đời sau", chị Toan chia sẻ.

Tỉnh Bắc Kạn có 7 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa và Sán Chay, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số. Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống, mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục tập quán riêng.

An Khê