Tuyển sinh đại học 2024: Nhiều trường tốp đầu không mặn mà xét tuyển học bạ

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐH Quốc gia Hà Nội)

Chất lượng không tương đương điểm số

Mới đây, Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân đã công bố đề án ển sinh ĐH năm 2024. Theo đó, trường tuyển sinh theo ba phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu (như năm 2023); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 18% (giảm 7% so với năm 2023); 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, trong năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Trường ĐH Luật TP HCM chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức. Phương thức tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 55% tổng chỉ tiêu.

Trước đó, từ mùa tuyển sinh 2023, ĐH Bách khoa à Nội đã bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Trường ĐH Y Hà Nội cũng không xét tuyển bằng điểm học bạ...

Có thể thấy, nhiều trường đại học tốp đầu đã nói không với việc xét tuyển học bạ. Ngược lại, các trường tốp giữa và tốp dưới lại có xu hướng gia tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ trong những năm gần đây.

Lý giải về việc bỏ phương thức xét học bạ, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, năm 2024, nhà trường không xét tuyển theo phương thức kết hợp giữa điểm trung bình học bạ ba năm học của bậc THPT với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia.

Theo PGS.TS. Bùi Đức Triệu, từ thực tế tuyển sinh trong những năm gần đây cho thấy, nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp trên có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện ở phương thức xét tuyển khác. Điều này dẫn đến tỷ lệ trùng lặp của nhóm thí sinh là học sinh chuyên xét tuyển học bạ với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo cũng tăng mạnh. Vì thế, việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ thí sinh ảo mà ít gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.

Ở góc độ khác, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc xét tuyển đại học căn cứ vào học bạ có thể dễ tuyển sinh, song chất lượng đầu vào khó bảo đảm công bằng. Bởi chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau… nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội. Chưa kể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên tới 90%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển sinh đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, thiếu khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành “hot” như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế...

Lo ngại “lạm phát điểm số”

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, những trường ĐH bỏ xét tuyển bằng học bạ là những trường có uy tín, có sự cạnh tranh rất cao. Đã có những trường ĐH khảo sát cho thấy những sinh viên xét tuyển bằng điểm học bạ cao, quá trình học thường không được tốt như kỳ vọng. Như vậy, rõ ràng việc dùng điểm học bạ để xét tuyển vào các ngành/trường có mức điểm chuẩn 27 - 29 là không đủ độ tin cậy.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - Hệ thống Giáo dục Học mãi chia sẻ, xét tuyển bằng học bạ là phương thức đã tồn tại nhiều năm trước đây ở Việt Nam. Tuy nhiên, không có lần nào duy trì được lâu, bởi độ khả tín của học bạ không cao. Đơn cử, cách đây khoảng 5 - 7 năm, Hà Nội từng tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng mỗi năm học sinh giỏi ở cấp THCS sẽ cộng 5 điểm cho học sinh khi xét tuyển vào lớp 10. Nhưng sau một số năm, tỉ lệ học sinh giỏi tăng lên đột biến, thậm chí đa số các lớp có tới 80 - 90% học sinh giỏi, có lớp đạt tỷ lệ 100% học sinh giỏi, gây tình trạng “lạm phát điểm số”. Tình trạng này cũng đang xảy ra trong xét tuyển ĐH.

Cũng theo phân tích của thầy Vũ Khắc Ngọc, trong năm 2023, Bộ GD&ĐT công bố thống kê về điểm học bạ của các địa phương. Theo đó, tỷ lệ học sinh giỏi ở các địa phương rất khác nhau, thậm chí giữa địa phương này với địa phương khác, tỉ lệ học sinh giỏi chênh nhau tới 3 - 4 lần, sẽ tạo ra một sự không công bằng khi xét tuyển đại học. Bởi điểm học bạ được cho trên cơ sở các kết quả, các bài kiểm tra trên lớp. Nhưng đề thi học kỳ của trường này với trường khác lại không giống nhau, rất khác nhau về mức độ khó và mức độ khắt khe trong việc cho điểm. Đây là lý do khiến việc xét tuyển đại học dựa vào kết quả học bạ khó công bằng và gây tình trạng lạm phát điểm.

Trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ vì nhiều tiêu cực nảy sinh để “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các trường THPT, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường. Còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học…

Uyên Na