Từ Grammys đến Quả Cầu Vàng, liệu có vớt vát lại được danh dự sau hàng loạt bê bối?

Grammys ra "bộ luật" mới sau cáo buộc gian lận, bất công

Grammys lần thứ 63 kết thúc với vô vàn tranh cãi và cáo buộc liên quan đến nhóm lợi ích, tham nhũng, thiếu minh bạch. Chính vì vậy, Viện Hàn lâm đã phải tiến hành thay đổi một số luật trong quy trình đề cử hạng mục của giải thưởng âm nhạc danh giá nhất hành tinh này.

Nếu một sản phẩm lọt vào đề cử cho hạng mục Album của năm thì tất cả các cá nhân đóng góp cho album sẽ đều được Hội đồng công nhận, thay vì điều kiện phải góp mặt ít nhất 33% trong thời lượng album trước đây.

Sự thay đổi này mở rộng hơn cơ hội chạm tay vào "chiếc kèn vàng" danh giá nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập bởi tính chất “cào bằng” công sức của toàn bộ các cá nhân góp mặt. Album của năm là giải thưởng bao quát tất cả các sáng tác bên trong một album. Bởi vậy, sẽ không thể tránh khỏi trường hợp một người chỉ đảm nhận một phần rất nhỏ trong việc hoàn thiện một bài hát, trong khi nghệ sĩ khác lại đầu tư tâm huyết cho toàn bộ các tác phẩm.

Viện Hàn lâm cũng công bố quy tắc mới liên quan đến nội dung của album, dự kiến sẽ được áp dụng vào Grammys lần thứ 65 (năm 2023). Album đủ điều kiện đề cử tại Grammys sẽ phải có ít nhất 75% thời lượng (thay vì 50%) đến từ các ca khúc mới chưa từng ra mắt trước đó. Ca khúc mới phải là những bài hát được thu âm trong vòng 5 năm tính từ ngày phát hành.

Giải thưởng Best Dance Recording (Thu âm nhạc Dance xuất sắc nhất) sẽ được đổi thành Best Dance/Electronic Recording (Thu âm nhạc dance/nhạc điện tử xuất sắc nhất). Một số hạng mục khác cũng đang được Viện Hàn lâm thảo luận, thay đổi, bổ sung.

Đặc biệt, để ứng phó sau bê bối. Viện Hàn lâm xác nhận “ủy ban bí mật” gồm 15 - 30 chuyên gia trong ngành sẽ được hủy bỏ. Những đề cử ở các hạng mục sẽ được 11.000 thành viên của Viện bỏ phiếu.

Hoan nghênh những thay đổi của Grammys nhưng The Weeknd vẫn cạch mặt giải thưởng này.

Quả Cầu Vàng cải tổ nhân sự - Emmy không còn "quá trắng"

Trên địa hạt phim ảnh, Giải thưởng Quả Cầu Vàng do Hiệp hội Báo chí Hollywood (HFPA) sáng lập cũng hứng chịu làn sóng tẩy chay vào đầu năm nay. Tờ Los Angeles Times tiết lộ các thành viên của HFPA không có thành viên nào là người gốc Phi.

Sau Grammys và Oscar, Quả Cầu Vàng là sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả.

Bê bối phân biệt chủng tộc cùng loạt tin đồn về lạm quyền, nhận hối lộ của Ban tổ chức Quả Cầu Vàng (HFPA - The Hollywood Foreign Press Association) khiến hàng loạt ngôi sao bức xúc, lên tiếng tẩy chay và muốn trả lại tượng vàng đã nhận; chưa hết, lượng người xem buổi phát sóng trực tiếp lễ trao giải vào cuối tháng Hai vừa qua giảm tới 60% khiến sự kiện năm sau đã bị kênh truyền hình NBC thẳng thừng từ chối phát sóng.

Nhằm vớt vát lại uy tín, mới đây, HFPA đã tiến hành cải tổ nhân sự, bổ sung các chuyên gia đa sắc tộc trên tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức vào tổ chức; đồng thời thông qua Bộ Quy tắc ứng xử và Đạo đức Nghề nghiệp mới.

Đại diện HFPA tuyên bố: “Có đến 90% ý kiến đồng thuận. Chúng tôi gặp rắc rối vì một số thành viên có hành vi không đúng đắn trong quá khứ. Chúng tôi cam kết sẽ không để sự việc này tiếp diễn.”

HFPA kết hợp cùng Convercent thiết lập đường dây nóng. Bất cứ ai trong và ngoài HFPA đều có quyền khiếu nại hành vi sai trái dưới hình thức ẩn danh.

Giải Emmy - "Oscar mảng truyền hình" cũng từng bị chỉ trích vì “làm ngơ” nghệ sĩ Mỹ Latinh dù đây là nhóm dân tộc lớn thứ hai sau người da trắng tại Mỹ.

Zendaya là người da đen thứ 2 giành giải Nữ diễn viên chính kịch xuất sắc nhất trong lịch sử 72 năm của lễ trao giải Emmy.

Và để tránh khỏi một “Emmy quá trắng”, lễ trao giải này đã tích cực thay đổi và tạo cơ hội nhiều hơn đến các nghệ sĩ da màu. Cụ thể, tại Emmy 2020, 34.3% đề cử trong các hạng mục thuộc về những nghệ sĩ da màu.

Để xứng tầm với danh tiếng các lễ trao giải toàn cầu, những thay đổi trên Grammys, Quả Cầu Vàng, Emmy là tất yếu để mang lại "sân chơi" công bằng cho nghệ sĩ.

DN (Tổng hợp)