Chứng khoán Mỹ và dầu thô cùng bán tháo sau tín hiệu lãi suất cứng rắn từ Fed

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/9), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng để ngỏ khả năng tăng thêm lãi suất trong thời gian tới. Giá dầu cũng giảm khoảng 1%, xuống mức thấp nhất trong 1 tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,94%, còn 4.402,2 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,53%, còn 13.469,13 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 76,85 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 34.440,88 điểm.

Triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn gây áp lực giảm mạnh lên cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, từ đó kéo tụt Nasdaq - chỉ số với các cổ phiếu công nghệ chiếm đa số. Trong đó, Microsoft giảm hơn 2%; Nvidia giảm 3%; và Alphabet giảm hơn 3%.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%, một động thái không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, trong dự báo kinh tế thường kỳ, Fed phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm một lần trước khi kết thúc năm nay. Fed mở ra khả năng kết thúc chu kỳ thắt chặt này sau lần tăng lãi suất đó và sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ năm tới. Dù vậy, tín hiệu từ Fed là sẽ giữ lãi suất trong năm 2024 ở mức cao hơn so với tín hiệu đưa ra hồi tháng 6.

Thị trường biến động mạnh trong khoảng thời gian diễn ra cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Trả lời câu hỏi từ báo giới, người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ nói Fed sẽ “hành động cẩn trọng” trong việc tăng thêm lãi suất, nhưng lưu ý rằng Fed vẫn còn việc phải làm trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ông Powell cũng nói rằng vẫn có khả năng nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, và kết quả như vậy là mục tiêu hàng đầu của ông nhưng không phải là kịch bản chính của ông. Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ chìm sâu hơn trong sắc đỏ khi ông Powell nói như vậy và tiếp tục đi xuống trong nửa giờ cuối cùng của phiên giao dịch.

“Nền kinh tế Mỹ đang quá mạnh và chu kỳ tăng lãi suất này sẽ kéo dài hơn so với những gì mà Phố Wall mong muốn”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định về nguyên nhân khiến cổ phiếu bị bán tháo sau cuộc họp của Fed.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, nhóm công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông là hai nhóm giảm mạnh nhất phiên này. Đây được xem là một sự điều chỉnh cần thiết vì năm nay, nhà đầu tư dã mua nhiều cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng với kỳ vọng rằng Fed đã hoàn tất việc thắt chặt.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2006, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2007.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,86%, đóng cửa ở mức 93,53 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,01%, còn 90,28 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ hôm 13/9.

Dù giảm giá phiên này, dầu Brent vẫn đang ở trong trạng thái kỹ thuật mua quá nhiều (overbought) ngày thứ 14 liên tiếp - chuỗi dài nhất kể từ năm 2012.

Giới đầu tư lo ngại rằng việc Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế và gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Tuy vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia và Nga - hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Bình Minh