Thanh Hóa triển khai hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 292/KH-UBND về hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Các nội dung hỗ trợ lần này chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, là cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều kiện để hỗ trợ, là các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ. Nguyên tắc hỗ trợ sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.

Đối với hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, năm 2023, Thanh Hóa hỗ trợ hợp đồng tư vấn cho 9 doanh nghiệp nhỏ và 1 doanh nghiệp vừa về hỗ trợ tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.

Tiếp đến, đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, năm 2023, Thanh Hóa này hỗ trợ cho 5 doanh nghiệp siêu nhỏ và 10 doanh nghiệp nhỏ về hỗ trợ doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ.

Tổng kinh phí thực hiện năm 2023 của tỉnh này là 1,2 tỷ đồng; nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung vốn sự nghiệp (hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023 tại Công văn số 274/BKHĐT-PTDN ngày 12/01/2023 của ộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng trên 20.5000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 97,4%. Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ở các giai đoạn, cụ thể như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn một số khó khăn, hạn chế, đặc biệt, một trong những hạn chế hết sức căn bản của doanh nghiệp đó chính là nhận thức về văn hóa kinh doanh, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của một bộ phận doanh nhân chưa đầy đủ, còn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Những tồn tại, hạn chế trên là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nhóm nguyên nhân chủ quan trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp đó là tính chuyên nghiệp, trình độ, năng lực quản lý điều hành, hiểu biết pháp luật của một bộ phận chủ doanh nghiệp còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tập trung rà soát, đơn giản hóa và bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt quy trình liên thông, quy trình phối hợp trong việc giải quyết những thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Nâng cao trình độ, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm những cá nhân gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Nguyễn Thuấn