Những 'nhịp cầu' ngoại giao văn hóa

Đêm nhạc "Phượng Linh" của nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền. (Ảnh: Ban tổ chức đêm nhạc)

Trong suốt năm 2023, khó có thể kể hết những hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa mà các cơ quan ngoại giao nước ngoài đem đến cho công chúng Việt Nam, từ nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, triển lãm, thời trang, trưng bày cho đến phối hợp xuất bản sách…

Các sự kiện, hoạt động đều mang những dấu ấn đặc biệt, không chỉ bởi ý nghĩa kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, mà còn bởi sự công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ và đầy tâm huyết của những người thực hiện. Trong số này, có những sự kiện, hoạt động nổi bật nhất, có sự đóng góp của cả các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.

“Mở cửa” kho tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ và kỷ niệm 80 năm “Hoàng tử Bé”

Năm 2023, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (14/4/1973) với hàng loạt hoạt động đầy ý nghĩa.

Tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp cùng với Viện Pháp tại Việt Nam cũng tổ chức nhiều chuỗi hoạt động như triển lãm 3D về Quốc Tử Giám, sự kiện Dạo quanh nước Pháp với các gian hàng ẩm thực, giao lưu, trải nghiệm; thời trang, triển lãm về nước Pháp, trình chiếu phim Pháp…. Các hoạt động này đều thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng.

Những bức ảnh tư liệu từ kho ảnh.

Ngày 15/2/2023, tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, kho tàng gần 70 nghìn bức ảnh tư liệu về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chính thức mở rộng cửa cho công chúng. Dự án này được khởi xướng từ năm 2019, do Viện Thông tin Khoa học xã hội (ISSI), cơ quan khoa học và công nghệ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) thực hiện.

Lần đầu tiên, kho ảnh gần 70 nghìn bức ảnh tư liệu về Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được công chúng hóa bằng công nghệ.

Dự án gồm phông ảnh di sản của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp được tạo nên từ đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội, gồm ảnh tư liệu và khoa học, trong đó phần lớn là ảnh các di tích, các cuộc khai quật khảo cổ học, ảnh những nghi lễ tôn giáo, các hiện vật bảo tàng, những thành phần kiến trúc, sao in tài liệu và ảnh chụp từ trên không trung.

Điều quan trọng là công chúng được biết đến kho ảnh, vì những bức ảnh này là ký ức của lịch sử, với những hình ảnh rất sống động về một thời kỳ đã qua.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Sự kiện mở cửa kho ảnh được đánh giá là rất có ý nghĩa, bởi lần đầu tiên kho ảnh này được công chúng hóa bằng công nghệ. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho cho rằng, điều quan trọng là công chúng được biết đến kho ảnh, vì những bức ảnh này là ký ức của lịch sử, với những hình ảnh rất sống động về một thời kỳ đã qua.

Giống như kho ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ và Viện Thông tin Khoa học xã hội, “Hoàng tử Bé” cũng là một sản phẩm văn hóa có giá trị lâu năm. 2023 cũng là năm đánh dấu mốc 80 năm ấn phẩm của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry ra mắt bạn đọc. Chương trình hòa nhạc “Hoàng tử Bé” do các nghệ sĩ Pháp phối hợp với Việt Nam thực hiện, công diễn cuối tháng 6, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng lừng danh Tetsuji Honna, vừa là sự kiện vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, vừa ghi dấu ấn 80 năm tác phẩm ra đời.

Lần đầu tiên, "Hoàng tử Bé" được kể bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật.

“Hoàng tử bé” là tác phẩm nhạc trưởng lừng danh người Pháp Marc-Oliver Dupin sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng lấy cảm hứng từ cuốn truyện tranh chuyển thể cùng tên của nghệ sĩ truyện tranh Joann Sfar. “Hoàng tử Bé” được kể bằng các ngôn ngữ âm nhạc, mỹ thuật và trình diễn công nghệ hiện đại.

“Hoàng tử Bé” có phần kể chuyện do nghệ sĩ Hứa Thanh Tú thể hiện, phần hình ảnh của họa sĩ truyện tranh Joann Sfar, và phần âm nhạc của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Marc-Oliver Dupin.

Đây là cách tiếp cận mới khác lạ đối với tác phẩm văn học đã có 80 năm tuổi đời, đem đến nguồn năng lượng tươi mới và góc nhìn hiện đại.

Chuyến du hành của âm nhạc

Năm 2023, Đại sứ quán tại Việt Nam tổ chức hàng loạt sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gồm các lĩnh vực ẩm thực, điện ảnh, âm nhạc…

Mở màn năm 2023 là buổi hòa nhạc "Valentine Concert: From Italy with Love" tổ chức vào ngày 11 và 12/2 được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Concert - From Italy with love được tổ chức với 2 loại hình âm nhạc opera và jazz, kết hợp màn chiếu các cảnh kinh điển trong những bộ phim đoạt Oscar mà tượng đài nhạc phim thế giới người Italia - Ennio Morricone sáng tác. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn, ban nhạc jazz Jumpforjazz cùng các nghệ sĩ Đào Tố Loan (soprano), Nguyễn Anh Vũ (Tenor), Trịnh Minh Hiền (violon), Nguyễn Bảo Long (saxophone) cùng nhiều nghệ sĩ khách mời nổi tiếng từ Italia…

Tháng 4, khán phòng Nhà Hát lớn Hà Nội chật kín khán giả tới thưởng thức vở opera đúng quy mô và tiêu chuẩn quốc tế, được sản xuất cho lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Italia. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, cùng với nghệ sĩ Tenor nổi tiếng người Italia Giovanni Maria Palmia.

Cùng với đó là Liên hoan mùa hè Italia 2023, Tuần lễ Ẩm thực Italia, Liên hoan phim Italia… cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác dành cho người dân Hà Nội và nhiều thành phố lớn.

Nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền tại đêm diễn.

Trong số đó, “Phượng Linh” là sự kiện đình đám nhất, khi nữ nghệ sĩ violon Trịnh Minh Hiền lần đầu tiên tổ chức một đêm diễn dành riêng cho nhạc cụ dây làm chủ đạo, đồng thời mời nghệ sĩ piano nổi tiếng Maurio Mastrini trình diễn trong chương trình.

Đêm nhạc là những dòng chảy của âm nhạc Việt Nam và Italia, đưa khán giả du hành đến những miền âm nhạc đầy sự độc đáo của văn hóa mỗi nước. “Phượng Linh” cũng là sự kiện khép lại chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italia trong năm 2023.

Sự trở lại của nàng công nữ thế kỷ 17

Câu chuyện về nàng công chúa Việt Nam Ngọc Hoa ở thế kỷ 17 vượt biển sang Nhật Bản theo chồng, đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho mối quan hệ bang giao hai nước đã được công chúng biết đến, qua vở opera “Công nữ Anio” và ấn phẩm sách tranh cùng tên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Con gái nuôi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong (còn gọi là công nữ Ngọc Hoa) lấy chồng là Araki Sotaro, một võ sĩ đạo, thương nhân Nhật Bản, chính thức kết nối mối bang giao đầu tiên giữa hai nước. Công chúa Ngọc Hoa đã lên thuyền theo chồng sang sinh sống tại Nagasaki.

Vở opera “Công nữ Anio” do nhạc trưởng đình đám Honna Tetsuji làm Tổng đạo diễn và Giám đốc âm nhạc, quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của cả Việt Nam và Nhật Bản như Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang, Koburi Yusuke, Yamamoto Kohei… Tác giả âm nhạc là nhà sản xuất Trần Mạnh Hùng, tác giả phần lời tiếng Nhật là đạo diễn Oyama Daisuke, còn tác giả lời tiếng Việt là nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo Hà Quang Minh.

Các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản trong vở diễn.

Đây là vở diễn được chuẩn bị rất công phu, từ năm 2020, được dịch nhiều lần qua hai thứ tiếng Nhật và Việt để làm lời ca và phụ đề khi biểu diễn ở Việt Nam. Đặc biệt, hai nghệ sĩ Nhật Bản Koburi Yusuke, Yamamoto Kohei còn có phần trình diễn bằng tiếng Việt. Tối 22/9/2023, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino, Công nương Kiko đã dự buổi công chiếu vở opera "Công nữ Anio" tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Việt Nam.

Chị Hoàng Thanh Thủy, Trưởng Ban biên tập sách thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ về cuốn sách trong buổi ra mắt sách.

Cùng thời điểm này, sách tranh “Công nữ Anio” do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Nhà xuất bản Kadokawa của Nhật Bản thực hiện cũng đã chính thức ra mắt độc giả. Đây là sách tranh đầu tiên kết hợp giữa tác giả Việt Nam và Nhật Bản, nhưng tác giả viết lời là Koshiya Katsuji, còn tác giả thể hiện tranh minh họa là họa sĩ Lưu Đình Thắng của Việt Nam

Cuốn tiểu thuyết giả tưởng lấy bối cảnh Vịnh Hạ Long

“Con rít” là dự án văn học dịch nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Đây là tác phẩm của nhà văn Risto Isomaki, viết về một sinh vật khổng lồ, từng được ghi lại trong thư tịch cổ của Mexico, lấy bối cảnh Vịnh Hạ Long của Việt Nam.

Cuốn sách xoay quanh cuộc tìm kiếm một sinh vật biển kỳ lạ đã chết, xác dạt vào Vịnh Hạ Long của Martti Ritola, nhà nghiên cứu sinh vật biển nổi tiếng thế giới, cùng với Camilla Norrstrand, mối tình đầu của Martti. Chuyến thám hiểm đầy hấp dẫn và lý thú nhưng các thành viên trong đoàn cũng phải đương đầu với không ít hiểm nguy…

Tôi hy vọng cuốn tiểu thuyết sẽ được xây dựng thành phim.

Nhà văn Risto Isomaki

Tác phẩm được Risto Isomaki xây dựng công phu, khi ông cất công tìm đọc những tư liệu cổ, thư tịch cổ về loài sinh vật khổng lồ sống ở biển, thậm chí ông còn trích dẫn một mẩu tin có thật trên báo Việt Nam từ cuối thể kỷ 19.

Tác giả Risto Isomaki (áo đen, thứ 4 từ trái sang) trong buổi ra mắt sách.

Cuốn sách do dịch giả Bùi Việt Hoa chuyển ngữ. Chị kể lại, con gái chị, Võ Quỳnh Lê, là người đầu tiên gợi ý mẹ dịch cuốn sách. Năm 2022, trong cuộc gặp gỡ tại nhà riêng Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ngài Đại sứ Keijo Norvanto ngỏ ý mong muốn dịch giả sẽ có một hoạt động đóng góp vào chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm, và “Con rít” chính thức được dịch giả Bùi Việt Hoa chuyển ngữ.

Điểm đặc biệt của tác phẩm là ngoài việc lấy bối cảnh Vịnh Hạ Long, tác giả còn chú ý nghiên cứu ngôn ngữ của người Việt rất kỹ khi thể hiện các nhân vật bản địa trong tác phẩm. Ông cũng đưa ra những giải pháp bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long nói riêng, trên thế giới nói chung, đồng thời bày tỏ mong muốn được xây dựng cuốn tiểu thuyết thành phim thông qua sự hỗ trợ của một đơn vị làm phim nào đó…

Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng chia sẻ, trong nhiệm vụ về thông tin đối ngoại của đất nước, chúng ta đã rất nỗ lực để mang hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, và đồng thời cũng tiếp nhận những tinh hoa của thế giới và mang tinh hoa của thế giới đến với Việt Nam.

Những sự kiện văn hóa mà các nước đem đến Việt Nam cũng là những tinh hoa của thế giới được mang đến cho người dân Việt Nam nói chung. Không chỉ như vậy, ở những lĩnh vực nhất định, chúng ta cũng có cơ hội học hỏi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ phía bạn. Ở những sự kiện này, vai trò của các nghệ sĩ, tác giả, dịch giả Việt Nam đã được phát huy mạnh mẽ, không chỉ là những người đem văn học, nghệ thuật của nước bạn đến với công chúng Việt, mà bản thân họ cũng là những nhịp cầu hữu nghị của cây cầu ngoại giao văn hóa từ Việt Nam nối với muôn nơi.