Khắc sâu lời Bác Hồ dạy, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát 'vừa hồng vừa chuyên'

Lịch sử xây dựng và phát triển ngành KSND trong hơn 60 năm qua đã ghi nhận, công tác tổ chức cán bộ luôn được các thế hệ Lãnh đạo VKSND tối cao, Lãnh đạo VKSND các cấp đặc biệt chú trọng, coi đây là khâu công tác trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đối với việc tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Bài học quan trọng nhất, đó là phải luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát và những chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ; kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác của ngành được nhiều thế hệ cán bộ đi trước dày công xây đắp.

Ngay từ những ngày đầu thành lập ngành, việc xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử của ngành còn ghi đậm sự kiện, sau khi xem xét dự thảo Luật tổ chức VKSND năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời dạy về 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”.

Lời dạy của Bác chính là phương châm, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, định hướng cho công tác xây dựng, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ kiểm sát cả về bản lĩnh chính trị, về tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống và cả thái độ, tác phong làm việc, phương pháp công tác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trực tiếp lựa chọn, phân công những cán bộ lãnh đạo cốt cán đầu tiên của ngành. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và của giai cấp công nhân Việt Nam, được Bác Hồ và Trung ương Đảng, Quốc hội cử giữ chức vụ Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao; là người đặt móng, xây nền cho ngành KSND.

Trong công tác cán bộ, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn nhấn mạnh hai nội dung: Một là, quan điểm chính trị phải vững vàng kiên định; hai là, phải rèn luyện cán bộ trong sạch về lối sống, phẩm chất, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, người cán bộ kiểm sát phải có phẩm chất, đạo đức trong sáng như pha lê.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ngành Kiểm sát nhân dân tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập VKSND (26/7/1960 - 26/7/2020).

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và những chỉ dẫn của đồng chí Hoàng Quốc Việt, công tác cán bộ của ngành trong những năm qua đã kế thừa, phát huy kết quả và những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết qua các thời kỳ, đồng thời bổ sung, phát triển, vận dụng có hiệu quả vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành.

Toàn ngành KSND đang tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách xây dựng đảng hiện nay; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị.

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định chức năng của VKSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; xác định rõ nhiệm vụ là “Bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; mặt khác, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và những yêu cầu về bảo đảm các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp đang đặt ra những đòi hỏi rất cao đối với cán bộ Kiểm sát cũng như công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành KSND.

Với tầm nhìn bao quát, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã cùng tập thể Ban cán sự đảng VKSND tối cao đưa ra nhiều nội dung, biện pháp hiệu quả nhằm quán triệt và thể chế hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật vào các quy chế, quy định cụ thể, thống nhất nhận thức trong toàn ngành, tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, ghi dấu ấn đậm nét trong công tác cán bộ của ngành.

Về mặt thể chế, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện VKSND tối cao đã ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 16 quy chế, quy định và nhiều nghị quyết về công tác tổ chức cán bộ để tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho công tác này, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; điển hình như: Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND, ban hành kèm theo Quyết định số 521/QĐ-VKSTC ngày 01/11/2019; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong ngành KSND, ban hành kèm theo Quyết định số 522/QĐ-VKSTC ngày 01/11/2019; Quy định tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp trong ngành KSND, ban hành kèm theo quyết định số 26/QĐ-VKSTC ngày 10/02/2020. Nghị quyết số 18/NQ-BCSĐ ngày 12/4/2017 về việc thực hiện chủ trương, lộ trình công tác cán bộ cấp chiến lược ngành KSND; Nghị quyết số 82-NQ/BCSĐ ngày 09/01/2019 tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phát huy năng lực sở trường cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo VKSND tối cao; Nghị quyết 136-NQ/BCSĐ ngày 17/01/2020 về đánh giá công tác cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Trao quà tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xác định việc kiện toàn tổ chức bộ máy VKSND các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là rất quan trọng; Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành hướng dẫn số 37/HD-VKSTC ngày 28/11/2019 về việc sắp xếp tổ chức bộ máy cấp phòng của VKSND cấp tỉnh, theo đó đã quyết định sáp nhập 172 phòng của 63 VKSND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được triển khai cách nghiêm túc, bài bản, khoa học với lộ trình hợp lý và cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định chung cũng như đặc điểm, tình hình cụ thể, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn ngành.

Trong hai năm 2019 và 2020, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao quyết định giảm 1030 biên chế (6,6%), đồng thời có các biện pháp để quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng biên chế hiện có.

Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đặc biệt coi trọng công tác xây dựng nguồn cán bộ quản lý các cấp, xem đây là bước khởi đầu để chuẩn bị xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn cao.

Với quy trình chặt chẽ, chú trọng về tiêu chuẩn, đảm bảo về số lượng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ dự nguồn lãnh đạo, đến nay đã cơ bản hoàn thành quy hoạch lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cho cả hai giai đoạn 2016 - 2021 và 2021 - 2026.

Quá trình công tác, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xem xét, đánh giá cán bộ đúng thực chất; mạnh dạn chọn người, giao việc khó để vừa đào tạo, vừa thử thách. Nếu làm tốt, phát huy tốt, có sản phẩm cụ thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì xem xét bố trí vị trí quan trọng, địa bàn phức tạp để đào tạo toàn diện để dự nguồn, khi cần thì bổ nhiệm vị trí cao hơn, quan trọng hơn.

Trong điều kiện tổ chức và hoạt động của VKSND có nguyên tắc đặc thù là tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành thì việc bố trí, sử dụng cán bộ lại càng phải kỹ càng, chính xác mới phát huy tác dụng của đội ngũ cán bộ. Để đánh giá đúng, sử dụng đúng cán bộ thì không được đánh giá chung chung mà phải “xem sản phẩm cụ thể”, kết quả công việc của cán bộ, lấy công việc, kết quả trực tiếp làm hoặc phụ trách chỉ đạo thực hiện để đánh giá.

Một biện pháp quan trọng đó là gắn công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi cán bộ với công tác đào tạo cán bộ. Cụ thể, các đồng chí được quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý mà nhất là cấp chiến lược đã được Ban cán sự đảng ra Nghị quyết, bố trí các đơn vị có số lượng công việc lớn, địa bàn phức tạp để cán bộ được rèn luyện thử thách.

Một số đơn vị quan trọng được giao thực hiện các nhiệm vụ có tính “mũi nhọn” của Ngành cũng đã được kiện toàn, bố trí tăng cường cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt. Ngược lại, số cán bộ có năng lực hạn chế, làm việc hiệu quả không cao, thì chuyển đổi, bố trí ở vị trí khác phù hợp. Đối với một số đơn vị công tác có đặc thù dễ phát sinh tiêu cực, đã chú ý việc chuyển đổi để phòng ngừa tiêu cực, vi phạm; đây cũng chính là công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín của Ngành theo đúng quy định.

Giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh với cán bộ, công chức đơn vị.

Đối với các chức danh tư pháp, theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, khi bổ nhiệm Kiểm sát viên các ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cán bộ ngoài việc phải có các tiêu chuẩn theo quy định thì phải có điều kiện đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch KSV tương ứng.

Đây cũng là nét mới trong công tác cán bộ và đã được chỉ đạo làm tốt. Do vậy, Viện kiểm sát các cấp đã tiến hành rà soát, tuyển chọn cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, lập danh sách để cán bộ dự thi tuyển Kiểm sát viên. Để tuyển chọn, bổ nhiệm KSV được đúng người, Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên VKSND đã chỉ đạo xây dựng bộ đề thi đáp ứng với yêu cầu của việc sát hạch tuyển chọn người có kiến thức pháp luật sâu sắc, có kinh nghiệm kỹ năng nghề, bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực của ngạch KSV tương ứng.

Đề thi tuyển chức danh tư pháp luôn được rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện với yêu cầu đặt ra là tuyển chọn được Kiểm sát viên toàn diện ở các khâu công tác, cả khối hình sự và khối tư pháp; quy trình các bước của kỳ thi bảo đảm chặt chẽ, thông tin bảo mật được chấp hành nghiêm túc.

KSV tham gia khám nghiệm hiện trường.

Từ kết quả tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh tư pháp, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao cũng nhận thấy nhiều KSV (cả sơ cấp, trung cấp và cao cấp) chưa có nhiều hoặc chưa bao giờ trực tiếp làm nhiệm vụ KSV nên thiếu kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, Ban cán sự đảng cũng đã ban hành Nghị quyết về biệt phái KSV.

Theo đó, KSV sơ cấp thì biệt phái từ VKSND tối cao, VKSND cấp cao đến công tác ở VKSND cấp quận; KSV trung cấp ở VKSND tối cao, VKSND cấp cao đến công tác ở VKSND cấp tỉnh để trực tiếp làm nhiệm vụ, thời gian biệt phái từ 12 tháng. Qua các đợt biệt phái đều có báo cáo, rút kinh nghiệm chung.

Có thể nói, công tác biệt phái KSV là chủ trương cách làm mới so với trước đây, là biện pháp đào tạo, rèn luyện có hiệu quả, khắc phục được tình trạng KSV thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài việc biệt phái theo thời gian còn tăng cường biệt phái theo vụ việc, nhất là biệt phái KSV đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án đến tham gia thực hành quyền công tố, Kiểm sát xét xử vụ án ở địa phương.

Ngược lại, cũng đã tăng cường một số KSV có kinh nghiệm ở VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh đến VKSND tối cao để tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra gần 50 vụ án, là những vụ án lớn, phức tạp, qua đó, các KSV đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm và năng lực chuyên môn, tham gia có hiệu quả vào quá trình giải quyết án.

Với những đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, công tác cán bộ của Ngành trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những kết quả nổi bật. VKSND tối cao đã thực hiện quy trình, trình Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm 06 Phó Viện trưởng VKSND tối cao, 7 KSV VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao cũng đã bổ nhiệm 425 vị trí lãnh đạo, quản lý; từ năm 2016 đến năm 2019, VKSND tối cao đã tổ chức 7 kỳ thi KSV các ngạch với 6560 lượt người dự thi, 4.328 người đã trúng tuyển và đã bổ nhiệm 186 KSV cao cấp, 1635 KSV trung cấp, 2511 KSV sơ cấp; đã tổ chức 2 kỳ thi tuyển Điều tra viên với 59 lượt người dự thi, kết quả, đã tuyển chọn, bổ nhiệm 42 Điều tra viên các ngạch; năm 2020, đã tổ chức thi và đang chờ kết quả chấm thi nhưng bước đầu có thể đánh giá kỳ thi có chất lượng tốt.

Sinh viên ĐH Kiểm sát Hà Nội trao đổi bài học.

Cũng trong 5 năm qua, ở cơ quan VKSND tối cao và 3 VKSND cấp cao đã điều động, chuyển đổi 572 trường hợp, trong đó, đã điều động, chuyển đổi 21/25 đồng chí Vụ trưởng và tương đương, 24 Phó Vụ trưởng và tương đương; thực hiện 5 đợt biệt phái với 226 KSV các ngạch, 15 Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND. Qua mỗi đợt thi tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh tư pháp, biệt phái KSV, Cán bộ điều tra đều có tổng hợp đánh giá để rút kinh nghiệm chung.

Nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đồng chí Viện trưởng VKSND các cấp được tham gia Ban chấp hành cấp ủy cùng cấp là củng cố địa vị pháp lý của VKS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đây cũng chính là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp nói chung, công tác kiểm sát nói riêng. Cố Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên Hoàng Quốc Việt từng nói "công tác pháp luật thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị", do đó, việc đồng chí Viện trưởng VKSND các cấp được tham gia cấp ủy cùng cấp được xem như là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ.

Vì vậy, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã sớm có văn bản số 1810/VKSTC-V15 ngày 04/6/2019 để chỉ đạo Ban cán sự đảng VKSND cấp tỉnh chủ động lựa chọn nhân sự đủ tiêu chuẩn để giới thiệu quy hoạch vào Ban chấp hành cấp ủy cùng cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, yêu cầu phải đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ, chú trọng lựa chọn, giới thiệu cán bộ trẻ có năng lực, có phẩm chất, có uy tín; việc chuẩn bị nhân sự cần gắn với thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, không giữ chức vụ ở một vị trí quá hai nhiệm kỳ.

Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng VKSND TP HCM trao quyết định bổ nhiệm Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức cho đồng chí Quách Thanh Giang.

Đồng thời, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã có Công văn số 390-CV/BCSĐ ngày 02/5/2019 gửi các Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy đề nghị quan tâm cơ cấu đồng chí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp huyện tham gia Ban chấp hành cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; đã chỉ đạo đồng chí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trực tiếp báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy để đề nghị cấp ủy quan tâm chỉ đạo. Kết quả đạt được, số lượng các đồng chí lãnh đạo VKSND cấp tỉnh tham gia BCH đảng bộ tỉnh tăng 11% so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 2 đồng chí được bầu vào Ban thường vụ, được điều động, bố trí làm Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; có 2 đồng chí Phó Viện trưởng VKS cấp tỉnh trúng cử Tỉnh ủy viên, được điều động làm Giám đốc Sở; có 589 đồng chí Viện trưởng VKS cấp huyện tham gia cấp ủy, tăng 19% so với nhiệm kỳ trước.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Ngành, luôn được Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo sát sao, với nhận thức chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tốt thì đội ngũ cán bộ mới có nền tảng, với kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, Nhà nước ta đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhiều Bộ luật, Luật được Quốc hội ban hành và sửa đổi bổ sung với các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được chọn lọc, tiếp thu, mở rộng. Mặt khác, những đòi hỏi từ thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm đã đặt ra yêu cầu cho đội ngũ cán bộ kiểm sát phải thường xuyên cập nhật kiến thức thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để công tác đào tạo bồi dưỡng có hiệu quả, trước hết phải đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, nắm bắt được nhu cầu cần thiết về đào tạo bồi dưỡng cán bộ của các đơn vị, địa phương để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp. Trên cơ sở đó, trong những năm qua, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với 2 nhà trường của Ngành (Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng, hoàn thiện các giáo trình đào tạo và chương trình bồi dưỡng; đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 04/4/2016 về tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2021 và những năm tiếp theo.

Cho đến nay, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã tổ chức được 8 khóa đào tạo đại học luật với 2.655 sinh viên. Theo đó, đã có 4 khóa tốt nghiệp với 885 cử nhân luật, đã tuyển dụng vào ngành Kiểm sát 349 sinh viên, đang hoàn thiện việc tuyển dụng 184 sinh viên đã tốt nghiệp.

Qua 5 năm, ngành Kiểm sát đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho 17.745 lượt công chức, viên chức; cử 84 công chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài...

Công tác giáo dục, quản lý cán bộ; công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Ngành thời gian qua cũng đạt được những kết quả quan trọng; trật tự, kỷ cương được tăng cường. Trong rất nhiều hội nghị toàn ngành, đồng chí Viện trưởng Lê Minh Trí đã thường xuyên quán triệt, nhấn mạnh yêu cầu phải giữ nghiêm kỷ luật của Ngành; Viện trưởng VKS các cấp, Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm, trực tiếp phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo việc chấp hành kỷ luật của đơn vị; muốn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân thì đội ngũ cán bộ Kiểm sát phải trong sạch, vững mạnh, mọi hoạt động phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy định, có kỷ cương, nề nếp. Đồng chí Viện trưởng luôn nhắc nhở “cấp trên phải trách nhiệm, công tâm, công bằng; cấp dưới phải tận tụy, trung thực, thẳng thắn”...

Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết về nội dung này như: Nghị quyết số 57, 58, 60-NQ/BCSĐ ngày 26/1/2018; Nghị quyết số 150-NQ/BCSĐ ngày 6/5/2020, trong đó yêu cầu các tổ chức đảng, lãnh đạo các đơn vị phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đã yêu cầu các tổ chức Đảng, đơn vị nghiên cứu quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ của Ngành đã đề ra với chủ đề xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”... Với các biện pháp, chỉ đạo quyết liệt nên số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát có vi phạm, bị xử lý kỷ luật ít hơn nhiều so với các ngành trong khối nội chính.

Có thể nói, công tác cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua đã được những kết quả toàn diện với nhiều thành tựu nổi bật, tạo cơ sở vững chắc để toàn Ngành hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ Kiểm sát hôm nay đã luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ; tự hào với truyền thống vẻ vang của Ngành và luôn trân trọng, kế thừa, phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm của các thế hệ đi trước trong suốt hơn 60 năm xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân.

Kết quả đó cũng đã thể hiện sự quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay; đồng thời, ghi dấu ấn đậm nét về sự lãnh đạo của tập thể Ban cán sự đảng, đặc biệt là vai trò trung tâm của đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao.

Tăng Ngọc Tuấn