Đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày 1/7, Phó Thủ tướng ê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng nêu rõ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đầu tiên trong sáu vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng và Ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch; 13/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh và hoàn thành tổ chức công bố quy hoạch.

Đây cũng là vùng đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù nền kinh tế trong nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tình hình phát triển của vùng có nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Cụ thể, kinh tế của Vùng tuy tăng trưởng khá nhưng còn chưa thực sự bền vững, quy mô còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 12% quy mô GDP cả nước). Tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng vẫn còn yếu, thiếu nguồn lực để đầu tư, năng suất lao động của vùng đạt thấp, hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả.

Môi trường đầu tư kinh doanh của một số địa phương trong vùng còn chưa thực sự hấp dẫn, chưa thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

"Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó có sự xuất hiện các công trình thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, giảm đáng kể lượng phù sa, cát, suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến phát triển, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân," Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, để phát triển vùng đất Chín Rồng trong thời gian tới, các Bộ, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Đồng thời, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.

"6 tháng đầu năm 2024, GRDP vùng tăng cao hơn kịch bản đề ra, đây là con số ngoài mong đợi. 6 tháng cuối năm, cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ, vùng cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp sức chung cùng với cả nước hoàn thành các mục tiêu đề ra," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã thực hiện tăng lương, trước mắt đã thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để triển khai 2 nội dung còn lại. Để việc tăng lương đem lại giá trị thực chất cho người lao động, đề nghị các tỉnh trong vùng tập trung tuyên truyền, triển khai các biện pháp quản lý Nhà nước về giá, không được chủ quan, không để xảy ra tình trạng tăng lương, tăng giá.

Phát triển kinh tế biển, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm

Về các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần các Nghị quyết, chiến lược, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Hai là, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.

Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.

Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, Hòn Khoai…

"Đối với các dự án cao tốc có vướng mắc về giải phòng mặt bằng, vật liệu cát đắp, đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu cát đắp nền để đảm bảo tiến độ cho các công trình này," Phó Thủ tướng yêu cầu.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày 1/7. Ảnh: VGP

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trung tâm đầu mối về nông nghiệp

Bốn là, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, thoát lũ, vùng trữ - chuyển nước ngọt, hệ thống quản lý và kiểm soát xâm nhập mặn nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động đến từ sự thay đổi nguồn nước thượng lưu sông MeKong.

Năm là, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.

Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Sáu là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu tiêu chí, nguyên tắc xây dựng các dự án trọng điểm của vùng và đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để bố trí nguồn lực thực hiện.

Trong đó, tập trung cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt; các dự án của ngành giao thông như: nghiên cứu dự án khả thi đường sắt TP HCM - Cần Thơ, các dự án cao tốc trục đông tây, các sân bay Cà Mau, Phú Quốc...

Kiều Chinh