Hà Nội: Hiểm họa cháy nổ từ các 'chuồng cọp' bít kín chung cư, nhà ống

Trong vài năm trở lại đây, tại Hà Nội xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn gây chết người ở những ngôi nhà ống cao tầng, có cửa sổ và khu vực sân thượng bị bịt kín bằng khung sắt chống trộm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Đi dọc những khu nhà tập thể cũ trong nội đô Hà Nội, như: Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh… không khó để bắt gặp hình ảnh những “chuồng cọp” do người dân tự chế.

“Căn hộ của gia đình tôi rộng 35m2, nhưng chỉ có hơn 20m2 là nằm trong sổ đỏ, còn lại là phần cơi nới. Do cơi nới nên gia đình phải dựng “chuồng cọp” để đảm bảo an ninh. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều làm như vậy. Gia đình chúng tôi đã sinh sống ở đây hơn 30 năm qua, cũng biết là tiềm ẩn nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ nhưng điều kiện kinh tế hạn chế nên chúng tôi đành phải chấp nhận, ngay cả việc muốn chuyển đến nơi khác sinh sống thì để bán được căn hộ hiện nay rất khó” – bà N.L, trú tại khu nhà tập thể cũ Khương Thượng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Những “chuồng cọp” lơ lửng trên không giăng kín lối thoát hiểm duy nhất. Tâm lý “rào chắc, buộc chặt” của người dân đã vô tình khóa mất lối thoát nạn của gia đình khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Chia sẻ với phóng viên, anh T.P (quận Đống Đa) sống trong khu tập thể B11 Kim Liên cho biết: "Nhà tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác đã làm chuồng cọp để vừa có thêm diện tích, vừa phòng chống kẻ gian vào nhà. Nhưng sau nhiều vụ hỏa hoạn kinh hoàng, tôi đã tháo gỡ một phần để làm lối thoát hiểm phụ. Tuy nhiên, số chuồng cọp kiên cố ở đây vẫn rất nhiều, hầu hết gia chủ vẫn có tư duy sợ trộm hơn sợ cháy. Chúng tôi sống gần cũng nơm nớp lo sợ".

Chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến việc không có lối thoát hiểm do “chuồng cọp” bị quây kín gây hậu quả đáng tiếc, đơn cử như: Vụ cháy ở Khương Hạ (Thanh Xuân) vào năm 2023 làm 56 người thiệt mạng; cháy nhà dân tại ngõ Thổ Quan (phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) năm 2023 làm 3 người thiệt mạng; hay mới đây nhất là vụ cháy tại số nhà 207 Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) làm 4 người thiệt mạng...

Hiện trường vụ cháy tối 16/6 tại số nhà 207 Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) là khu nhà ở kết hợp kinh doanh với chuồng cọp bịt kín mặt trước và sân thượng tòa nhà.

Theo thực tế ghi nhận của phóng viên, khu phường Định Công và khu lân cận vẫn có rất nhiều ngôi nhà tự “giam mình” trong những lồng sắt. Hầu hết các ngôi nhà, kể cả những nhà trên phố, đều chú trọng đến vấn đề chống trộm mà không tính đến hoặc thờ ơ với lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn. Nhà ống, chỉ có một lối ra duy nhất, mà thường là phía ngoài hay để xe máy - một trong những tác nhân, nguyên nhân gây cháy.

Do diện tích chật hẹp, nhà ống trở thành lựa chọn tối ưu tại các đô thị lớn như Hà Nội. Theo thống kê, thành phố có khoảng 70% nhà ở dạng ống, với ba mặt tường kín, chỉ có mặt trước là cửa ra vào và cửa ra ban công, cửa sổ ở tầng trên. Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình dựng khung sắt bao kín ban công, tầng tum.

Điều đáng nói, không chỉ ở những khu nhà tập thể cũ mà ngay cả ở những chung cư tái định cư cao tầng, như: Đền Lừ (Hoàng Mai) hay Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân)... từ nhiều năm nay người dân cũng đã tự ý lắp đặt thêm phần lồng sắt như vậy.

Việc thi công chuồng cọp hay cửa sổ khung sắt vững chãi đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình. Họ chỉ tính đến phương án thêm diện tích, phòng chống trộm mà không lo sợ hỏa hoạn hay sự cố xảy ra nhưng không có lối thoát, dù đã có nhiều bài học thương tâm xảy ra trước đó.

Sau nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra và gần đây nhất là vụ cháy ở Định Công Hạ, bà N.L.C (quận Hai Bà Trưng) càng thấy quyết định lắp thêm lối thoát hiểm phụ cho chuồng cọp của mình là đúng đắn. "Mặc dù có thể e ngại kẻ gian đột nhập, nhưng mối nguy đó chắc chắn không đáng sợ, thương tâm bằng hỏa hoạn. Vì thế, tôi phải tìm cách bảo vệ gia đình mình và hàng xóm. Gia đình tôi sẽ tìm cách khác để đề phòng trộm, nhưng không thể chần chừ việc sửa chữa chuồng cọp được", bà nói.

Những vụ hỏa hoạn gây thương vong về người và tài sản ngày một nhiều, đã gióng lên hồi chuông báo động tới các cơ quan quản lý về tình trạng cơi nới bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm tại các nhà ống, khu tập thể cũ và chung cư.

Diệu Linh