Thương mại điện tử xuyên biên giới là 'chìa khóa' thúc đẩy xuất nhập khẩu

Ngày 27/6/2024, Global Selling phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) khai mạc “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024”.

Diễn đàn với chủ đề “Kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến” nhằm tập trung vào việc cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.

Thông qua các phiên thảo luận cùng sự dẫn dắt của các chuyên gia đầu ngành, các nhà hoạch định chính sách, Diễn đàn vạch ra những định hướng chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hình thành lộ trình xây dựng một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ, các công cụ, giải pháp và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chuyển đổi số, tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử, từ đó, mở ra con đường mới để các doanh nghiệp phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.

Các diễn giả trong phiên thảo luận tại Diễn đàn.

Cần tập trung tận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới khai thác tiềm năng xuất khẩu

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung. Một trong những trọng tâm của Diễn đàn là yêu cầu thúc đẩy môi trường chính sách với nhiều hỗ trợ cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Bùi Trung Kiên - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết việc tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, việc tạo môi trường xây dựng các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số, và hiện đại hóa hoạt động thương mại góp phần không nhỏ đến cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.

“Hiểu rõ được điều này, chúng tôi phối hợp với Amazon Global Selling triển khai Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp những cập nhật về tiềm năng thị trường, chiến lược phát triển và các hỗ trợ, sáng kiến chung tay từ nhiều bên vì sự phát triển bền vững của xuất khẩu nói chung và xuất khẩu trực tuyến Việt Nam nói riêng.” Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhấn mạnh.

Ông Gijae Seong- Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết “Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn và chúng tôi rất vinh dự được là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam.

Thông qua các sự kiện như Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 này, Amazon Global Selling nỗ lực thúc đẩy một môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới, trao quyền cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao vị thế toàn cầu cho hàng hóa, thương hiệu và ngoại thương Việt Nam trên trường quốc tế.

Định hướng chính sách từ phía cơ quan nhà nước

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết quan điểm xuyên suốt của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của Việt Nam tới năm 2030 là phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Điều này thể hiện qua cơ cấu hài hòa về thị trường, cán cân thương mại, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các động lực để thúc đẩy xuất nhập khẩu đó là động lực về đổi mới sáng tạo, động lực kinh tuần hoàn, kinh tế số - kinh tế xanh, trong đó sử dụng những công cụ số để bảo vệ môi trường.

Theo Chiến lược phát triển, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu từ 5-6%/năm, còn cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.

“Hiện nay cán cân thương mại đang chỉ xuất siêu, nhưng cũng có giai đoạn chúng ta nhập siêu, điều này không bất thường, nhưng chủ yếu là không tạo ra dao động quá lớn.” ông Hải cho biết.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thị trường châu Âu đạt 17% kim ngạch xuất khẩu, còn thị trường truyền thống lớn nhất là châu Á đạt 50%, châu Mỹ đạt 32-22%... Ngoài ra, một mặt vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như: dệt may, da giày, tuy nhiên trong những mặt hàng đó phải thúc đẩy gia tăng giá trị.

Theo ông Trần Thanh Hải, để phát triển xuất khẩu cần phải chú trọng đầu tư vào xây dựng thương hiệu, khâu thiết kế, phân phối bán hàng.

Mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, “Thương mại điện tử sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới khi chúng ta nói về xuất nhập khẩu. Thương mại bền vững không chỉ ở những con số mà còn thể hiện ở các chỉ tiêu khác: sự tăng trưởng đồng đều, ổn định, đem lại giá trị cho các địa phương, vùng miền, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền. Chúng ta cũng không đánh đổi về mặt giá trị xã hội, giữ tài nguyên cho các thế hệ sau này, tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.”

Ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cơ hội phát triển thương mại điện tử là rất lớn, trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới.

Với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử 16-30% mỗi năm, cùng với việc người tiêu dùng càng ngày càng chú trọng mua sắm qua thương mại điện tử là một trong những thuận lợi mang lại. Mong muốn của người tiêu dùng không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử trong nước mà còn liên quan đến các mặt hàng ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh mục tiêu của Kế hoạch phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 là tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường tiêu sản phẩm Việt Nam trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử…bên cạnh những mục tiêu về phát triển thương mại điện tử xanh, nâng cao cạnh tranh thương mại điện tử, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử.

Để đạt được những mục tiêu trên, cần tập trung vào các giải pháp như: hoàn thiện chính sách thể chế, hoàn thiện hạ tầng phát triển thương mại điện tử bền vững, xây dựng các nền tảng cốt lõi, liên kết vùng thương mại điện tử, tuyên truyền đào tạo, hợp tác quốc tế.

Và trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khóa đào tạo cả trực tiếp và trực tuyến hoàn toàn miễn phí.

“Do vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đăng ký với Cục thương mại điện tử và Kinh tế số để tham gia các chương trình đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua các sàn thương mại điện tử.” Ông Hoàng Ninh thông tin tại Diễn đàn.

Sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chuyển đổi số của Amazon

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling chia sẻ về những giải pháp từ Amazon Global Selling Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tuyến. Theo đó, Amazon tập trung vào các hướng sau để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng thành công.

Thứ nhất là phát triển kinh doanh là những giải pháp cụ thể giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm ra những xu hướng tiêu dùng, lợi thế cạnh tranh để có thể cạnh tranh toàn cầu trên Amazon.

Thứ hai là về tài khoản, Amazon có đội ngũ quản lý tài khoản trực tiếp, các doanh nghiệp có sự hỗ trợ online từ các nhân viên của Amazon Global Selling.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Amazon hỗ trợ về mặt kiến thức trong đó có những nền tảng online với tài liệu bằng tiếng Việt đúc kết những kinh nghiệm để tăng trưởng kinh doanh. Bên cạnh đó, Amazon còn hỗ trợ về tối ưu chi phí trong việc bán hàng để có thể tối ưu chi phí thu được lợi nhuận tốt nhất.

Cuối cùng là đào tạo nhà bán hàng, Amazon Global Selling đã có những chương trình đào tạo liên kết với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) như đào tạo được hơn 10.000 nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới trong vòng 5 năm…

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua.

“Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” là một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành và các bên liên quan để thống nhất tầm nhìn chung, huy động nguồn lực và thúc đẩy hợp tác, mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin đón nhận những cơ hội của kỷ nguyên thương mại điện tử toàn cầu, sẵn sàng vươn lên tầm cao mới.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Diễn đàn cũng tập hợp và cập nhật một loạt giải pháp, chương trình và sáng kiến chung tay do các đơn vị tiên phong trong ngành khởi xướng nhằm thúc đẩy thành công xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc ra mắt Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Trực tuyến Việt Nam (VESA) do VECOM thành lập, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ công nghiệp, các công ty hậu cần và đối tác công nghệ nhằm kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số và khai thác các cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Thùy Dương