Siết chặt quản lý, ngăn ngừa biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp

Tại Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp đã định nghĩa: “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”.

Từ những con số thống kê của Bộ Công thương cho thấy, những năm gần đây, hoạt động kinh doanh đa cấp đã trở nên phổ biến và thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Năm 2023, cả nước có 768.283 người tham gia kinh doanh đa cấp, tổng doanh thu đạt khoảng 16.866 tỉ đồng, tổng số “hoa hồng” và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia kinh doanh đa cấp khoảng 5.846 tỉ đồng. Cùng với sự “nở rộ” của hoạt động kinh doanh đa cấp là sự gia tăng các mô hình có dấu hiệu bất hợp pháp, lợi dụng kinh doanh đa cấp để ừa đảo, trục lợi. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp đối với 25 doanh nghiệp, khởi xướng điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt 11 tỉ đồng.

Cả nước hiện chỉ còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đa cấp đang hoạt động, trong đó 11 doanh nghiệp có đăng ký chi nhánh hoạt động kinh doanh đa cấp tại Quảng Trị. Thực hiện Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 2/3/2021 của UBND tỉnh (Quyết định 05) ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 05, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Công thương đã tiếp nhận và theo dõi các hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về kinh doanh đa cấp. Từ việc giám sát, nắm tình hình tại các hội nghị, hội thảo của ngành chức năng cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã chấp hành các quy định của áp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hàng hóa kinh doanh có hóa đơn chứng từ đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công bố chất lượng sản phẩm, được ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn không ít khó khăn, bất cập nảy sinh. Do mạng lưới phân phối hàng hóa phức tạp và số lượng nhà phân phối trên địa bàn đông dẫn đến việc theo dõi, giám sát hoạt động của người tham gia kinh doanh đa cấp tại địa phương có lúc chưa được sâu sát. Đã có tình trạng nhiều cá nhân thành lập các câu lạc bộ dinh dưỡng, văn phòng đại diện của nhà phân phối nhưng các cơ quan chức năng không có thông tin để theo dõi, giám sát hoạt động.

Theo quy định, trước thời điểm tổ chức sự kiện kinh doanh đa cấp tại địa phương, các doanh nghiệp đã có thông báo đầy đủ, kèm theo nội dung tài liệu trình bày không vi phạm các quy định khác liên quan. Nhưng thực tế là hầu hết các báo cáo viên chọn hình thức “trình bày miệng” để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng. Trong đó, nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ chữa trị có nội dung quảng cáo chưa thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Do đó ảnh hưởng đến khâu giám sát nội dung truyền tải tại sự kiện. Nhiều người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa hiểu rõ về mô hình kinh doanh đa cấp nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo, trục lợi. Họ bị “mê muội” khi các đối tượng lừa đảo vẽ ra những viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng, thu nhập cao từ các buổi tọa đàm, học làm giàu, từ đó tự nguyện đóng tiền mua hàng, mua sản phẩm và cuối cùng là mất tiền. Không chỉ vậy, kinh doanh đa cấp biến tướng còn dụ dỗ để những người đã bị lừa lôi kéo thêm nhiều người khác bị lừa theo.

Nhằm tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh đa cấp, tăng cường xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, ngành chức năng và các đơn vị liên quan cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp trong thời gian tới. Đó là thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, tình trạng chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để có các giải pháp tổ chức quản lý hiệu quả. Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và giám sát các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giúp các tổ chức, cá nhân nắm bắt được quy định của pháp luật để thực hiện. Chủ động nắm bắt các phương thức, mô hình, thủ đoạn và địa bàn hoạt động để xây dựng kế hoạch xác minh hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép. Chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo về kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp và người tham gia kinh doanh đa cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức lợi dụng kinh doanh đa cấp trái phép hướng đến một số đối tượng như người cao tuổi, phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm hạn chế xảy ra các vụ lừa đảo, trục lợi từ hình thức biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp. Mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu kỹ để tự trang bị những kiến thức về kinh doanh đa cấp trước khi tham gia vào mạng lưới. Cần tránh xa mô hình bán hàng với mức thu nhập cao, kiếm tiền dễ dàng để rồi tiền mất tật mang.

Thanh Trúc