Chủ tịch Quốc hội hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Singapore

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin chiều ngày 14/7. Ảnh: TTXVN

Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá, Việt Nam và Singapore có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ cả trên bình diện song phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn đa phương. Hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023. Đây là thời điểm để tổng kết, chào mừng những thành công đã đạt được, đồng thời tìm kiếm những cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có giao lưu nhân dân.

Trong bối cảnh COVID-19, hai nước có sự hỗ trợ lẫn nhau ở cả cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng, sự lưu chuyển của lương thực, thực phẩm và hỗ trợ về trang thiết bị y tế. Hai nước cũng có sự hợp tác chặt chẽ trong phân bổ vaccine phòng COVID-19 một cách công bằng thông qua cơ chế COVAX; cùng khẳng định hai nước đều có những quan điểm chung, tầm nhìn chung giống nhau về duy trì vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự đoàn kết của ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin. Ảnh: TTXVN

Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất đánh giá, Việt Nam và Singapore có chiến lược kết nối hai nền kinh tế và quan hệ hai nước với mô hình các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hiện Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp Singapore đối với Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trao đổi khả năng công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vaccine và tích cực trao đổi để sớm đạt thỏa thuận về quy chế đi lại ưu tiên, nối lại đường bay thương mại khi điều kiện cho phép nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch giữa hai nước. Việt Nam rất muốn nghiên cứu kinh nghiệm và chiến lược mới của Singapore trong phòng, chống dịch COVID-19 để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế.

Hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có hai cơ quan lập pháp; tiếp tục duy trì trao đổi các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ bằng nhiều hình thức phù hợp; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như AIPA, IPU, APPF và các tổ chức nghị viện đa phương khác; ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Ngài Meynardo Los Banos Montealegre, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Philippines tại Việt Nam . Ảnh: TTXVN

* Cũng trong chiều 14/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ Philippines Meynardo Los Banos Montealegre tới chào xã giao.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đại sứ Philippines trong nhiệm kỳ công tác của mình phối hợp thúc đẩy triển khai các trọng tâm hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Philippines; thu xếp trao đổi đoàn cấp cao và cấp Ủy ban chuyên môn; giao lưu giữa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật và giám sát triển khai thực hiện pháp luật tại mỗi nước; hướng tới xem xét ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác, để tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và quan hệ tốt đẹp giữa hai Quốc hội.

Tròn 45 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1976-12/7/2021) và đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2015 đến nay, quan hệ Việt Nam và Philippines không ngừng củng cố và phát triển. Hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng khởi sắc, trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương tăng hơn gấp đôi, từ 2,4 tỷ USD vào năm 2010 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2020. Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 5; đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch tăng đều hằng năm và lần đầu tiên đạt trên 1 tỷ USD năm 2020.

Philippines đã cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN ngày càng coi trọng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, củng cố tình đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường của ASEAN trong các vấn đề khu vực cũng như của quốc tế. Hai cơ quan lập pháp hai nước nước đã phối hợp với nhau tại các diễn đàn đa phương, khu vực như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA)...