Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, đến ngày 22/4, tổng lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 101 triệu m3/363,55 triệu m3 đạt 27,78% dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 53,7 triệu m3.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tại cuộc họp.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian đến nếu thời tiết không có mưa, ảnh hưởng đến đời sống của 33.116 hộ dân/99.543 nhân khẩu.

Hồ Tà Mon nứt nẻ do hạn.

Nguyên nhân được xác định do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, do vậy mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước sử dụng nguồn nước tự nhiên.
Bên cạnh đó, tiến độ thi công xây dựng dự án Hệ thống cấp nước sạch Hàm Thuận Bắc công suất 10.000 m3/ngày đêm (đầu tư từ nguồn vốn ODA Ý). Tuy nhiên đến nay dự án chưa thi công hoàn thành nên không bổ sung được nguồn nước và mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước đến các xã, thị trấn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc. Do vậy phải thực hiện giải pháp cấp nước luân phiên tại Nhà máy nước Trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Bắc, gây thiếu nước cục bộ tại đây…

Một hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, hầu hết các địa phương cho biết trên địa bàn đang xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số điểm khó khăn cấp nước. Riêng trên địa bàn huyện Tuy Phong đến thời điểm này chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhưng nếu mùa khô kéo dài, khả năng hạn hán thiếu nước có thể xảy ra. Hiện các địa phương đã chủ động rà soát các điểm thiếu nước và có các phương án để đảm bảo nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho nhân dân…

Về các giải pháp sắp tới, Sở Nông nghiệp và PTNTđề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục rà soát, xác định các khu vực đã xảy ra, có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới để xây dựng giải pháp, kinh phí chi thực hiện việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Ban QLDA ĐTXD các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các chủ đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình cấp nước sinh hoạt thuộc kế hoạch đầu tư năm 2024 sớm hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành, kịp thời cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, xem xét bố trí kinh phí đầu tư tuyến ống lấy nước từ Nhà máy nước Trung tâm huyện lỵ Hàm Thuận Bắc với chiều dài khoảng 4,5 km cấp nước phục vụ sinh hoạt cho 202 hộ dân tại tổ Gò Quao, khu phố Tầm Hưng và tổ 2, tổ 8, khu phố Lâm Giáo, thị trấn Ma Lâm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chỉ đạo tại cuộc họp.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh là vấn đề cấp thiết, do đó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tập trung những điểm nóng về thiếu nước sạch.

Người dân vùng hạn được hỗ trợ nước sinh hoạt.

Đặc biệt, các địa phương cần nắm chắc từng địa bàn, từng khu vực có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước để có phương án khắc phục kịp thời.
Song song phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước và thực hiện việc đấu nối các tuyến ống để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động có giải pháp đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương; tập trung đẩy nhanh thẩm định các danh mục mới để sớm triển khai, đưa công trình vào hoạt động…