Ninh Thuận phát triển năng động, nhanh, bền vững

Vào ngày 28/4, tại thành phố Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng ộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các đối tác, chuyên gia, hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận vào ngày 28/4. (Ảnh: Đắc Phú).

Quang cảnh hội nghị vào ngày 28/4. (Ảnh: Đắc Phú).

Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận công bố nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giới thiệu tổng quan về khát vọng, quyết tâm phát triển, tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, các chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chủ lực, sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận đi lên từ "khó, khô và khổ"

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp cho thành tựu chung của cả nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ninh Thuận là một trong những tỉnh xây dựng quy hoạch sớm nhất, bản quy hoạch đầu tiên của tỉnh đã được ban hành, thực hiện trong hơn 10 năm, đưa Ninh Thuận vươn lên, tiến kịp, đi cùng các địa phương trên cả nước, từ một tỉnh nhóm dưới về phát triển trở thành một tỉnh phát triển trung bình, "đi lên từ "khó, khô và khổ". Ninh Thuận có năng lực, khả năng "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Đối với quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng đánh giá, quy hoạch này được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch mở ra không gian phát triển mới trong 10 năm và định hướng 20 năm tới; với mục tiêu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Về các định hướng, ưu tiên phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức lại không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Nam Trung Bộ theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng, lấy kinh tế biển và kinh tế đô thị làm động lực phát triển. Trong đó, 5 nhóm ngành đột phá quan trọng là Ngành năng lượng, năng lượng tái tạo; Các ngành du lịch chất lượng cao; Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Ngành xây dựng và thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đắc Phú).

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết, quy hoạch tỉnh có vai trò, ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, xác định rõ các mục tiêu và thiết lập tầm nhìn, không gian phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Theo đó, xác định những mục tiêu lớn, đó là đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững, với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại; hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước...

Ninh Thuận sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển, trong đó vùng đô thị động lực Phan Rang-Tháp Chàm là đô thị du lịch, là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh hướng đến trung hòa cacbon trước năm 2050; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh phát triển công nghiệp-cảng biển-năng lượng, thương mại-dịch vụ và du lịch; Vùng phía Tây phát triển thương mại-dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho các nhà đầu tư. (Ảnh: Đắc Phú).

Tại hội nghị, tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận, ký biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư với các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai 15 dự án với tổng số vốn dự kiến là hơn 135.000 tỷ đồng.

Nguyễn Đắc Phú