An Giang thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển

Phục vụ cho sự phát triển

Nhằm hỗ trợ DN ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định về quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030...

Giám đốc Sở KH&CN An Giang Tầng Phú An cho biết: “Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các DN nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.

Theo đó, giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 39 dự án KH&CN, trong đó có 9 dự án KH&CN thử nghiệm quy trình kỹ thuật sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; an toàn, hiệu quả theo hướng VietGAP và phù hợp điều kiện của địa phương”.

UBND tỉnh An Giang đánh giá, thời gian qua, hoạt động KH&CN phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh, tạo chuyển biến đáng kể thu hút nguồn lực xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu; nâng cao nhận thức người dân với ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, thúc đẩy nhanh việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Xác định tầm quan trọng của phát triển KH&CN, năm 2023, tỉnh chi ngân sách 62 tỷ đồng cho sự nghiệp và đầu tư KH&CN. Đến nay, tỉnh có 48 tổ chức hoạt động KH&CN, 5 DN KH&CN. Nhân lực KH&CN của tỉnh có khoảng 1.930 người (23 tiến sĩ, 295 thạc sĩ...).

Tỉnh đầu tư 265 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học trên diện tích 36ha, trong đó có khu ươm tạo công nghệ, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học. Năm 2023, tỉnh phê duyệt, hỗ trợ thực hiện 21 đề tài nghiên cứu KH&CN với tổng kinh phí 8,75 tỷ đồng. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, như: Lúa, cây ăn trái (xoài, nhãn…), rau màu, thủy sản…

Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang đã giao Trung tâm Hỗ trợ DN đẩy mạnh triển khai các nội dung, như: Tổ chức hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng KH&CN vào sản xuất; tăng cường mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, công nghệ số nhằm nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, thiết bị mới để phổ biến đến DN.

Đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN chặt chẽ hơn, nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ hiệu quả cho các ngành và phát triển KTXH của tỉnh.

Việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN đã tạo được bước chuyển biến đáng kể trong việc thu hút nguồn lực xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu; nâng cao nhận thức của người dân đối với việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy nhanh việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) An Giang Trần Văn Cứng cho biết: “Các HTX An Giang đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, như: HTX nông nghiệp Bình Thành (huyện Thoại Sơn); HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn)… Việc triển khai mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” là mô hình cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng 30%, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa”.

Mô hình này có các đặc trưng: Nông dân được kỹ thuật hỗ trợ toàn bộ quy trình sản xuất và hướng dẫn xuyên suốt quá trình canh tác. Ngoài ra, còn được hỗ trợ nguyên liệu sản xuất từ giống, phân bón. Toàn bộ quy trình canh tác, từ xuống giống, phun thuốc, bón phân... đều sử dụng hoàn toàn bằng thiết bị không người lái (drone).

Đối với phương pháp canh tác truyền thống, trong quá trình sử dụng thuốc BVTV để phòng ngừa, điều trị sâu hại, nông dân phải mang những bình phun thuốc nặng và cồng kềnh trên lưng, mất nhiều thời gian, công sức. Với thiết bị bay không người lái, chỉ cần 1 người điều khiển là có thể phun thuốc trên diện tích lớn, thời gian phun nhanh hơn.

Ngoài ra, với việc sử dụng drone, nông dân sẽ tiết kiệm nước. Trong quá trình phun thuốc, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV nên an toàn cho sức khỏe. Điều này hoàn toàn phù hợp chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và đứng trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các hoạt động ứng dụng KH&CN đã có những chuyển biến rất chủ động, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước của các ngành.

Cụ thể, các nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay tập trung vào hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. KH&CN thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong công nghiệp, KH&CN phát triển dần trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, dẫn đến sự thay đổi to lớn trong sản xuất.

Ứng dụng KH&CN vào sản xuất - kinh doanh góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước xu thế toàn cầu hóa, cùng sự chuyển giao và hội nhập quốc tế về KH&CN đã thúc đẩy phát triển kinh tế. Các công cụ lao động giản đơn, tiểu thủ công nghiệp được thay thế bằng các dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại. Sức lao động của con người được giải phóng, lao động chân tay dần được thay thế bởi lao động trí óc, lao động giản đơn dần được thay thế bằng chuyên môn hóa. Qua đó, làm tăng năng suất lao động, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, chất lượng cao.

Để nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh (SXKD), năng lực cạnh tranh của DN cần nhiều yếu tố, như: Thể chế, chính sách, đất đai, vốn; trình độ người lao động, trình độ quản lý, quản trị DN…, nhưng đặc biệt là yếu tố về khả năng nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ KH&CN vào SXKD. Chỉ có đổi mới công nghệ mới nâng cao được năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của DN trong tình hình hiện nay.

DN muốn tồn tại và phát triển được phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SXKD để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất lao động; sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu… Từ đó, mới có khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường; phát triển SXKD nhanh và bền vững. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ là hướng đi đúng đắn của DN trong mọi giai đoạn phát triển.

Tạo động lực phát triển

Mặc dù An Giang đã nỗ lực xây dựng các cơ chế, quy định khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN đầu tư phát triển KH&CN, nhưng các DN, nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng KH&CN, khi đưa các sản phẩm KH&CN ra thị trường. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển KTXH. Một bộ phận lớn DN đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, kết quả chưa cao.

Bên cạnh một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, như: Công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính - ngân hàng… thì nhiều DN ở các lĩnh vực khác vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của khu vực. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của DN địa phương chưa cao, chưa đồng bộ.

Để KH&CN phát triển hiệu quả trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 177-KH/TU, ngày 29/5/2024 thực hiện Kết luận 69-KL/TW, ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, việc triển khai Kế hoạch 177-KH/TU để quán triệt đầy đủ, sâu sắc nội dung của Kết luận 69-KL/TW nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển KH&CN. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về KH&CN. Phát triển KH&CN gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành phù hợp từng giai đoạn cụ thể.

“Tỉnh tập trung phát triển mạnh mẽ KH&CN để phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực KTXH, quốc phòng - an ninh, bảo vệ tài nguyên và môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm KH&CN, để KH&CN thực sự là động lực quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Theo đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về KH&CN, đổi mới sáng tạo. Nâng cao tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo.

Trong đó, hình thành và sớm đưa vào hoạt động khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ cho Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang để phấn đấu trở thành đơn vị làm chủ công nghệ sản xuất các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh…

Cùng với đó, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái hỗ rợ khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác về KH&CN, đổi mới sáng tạo…

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà KH&CN phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Do đó, ứng dụng KH&CN và chuyển đổi số không còn là trách nhiệm riêng của từng đơn vị, mà cần sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đầu tư cho KH&CN đã và đang trở thành “lực kéo” quan trọng để nâng cao năng lực quốc gia và tỉnh An Giang.

THU THẢO - HẠNH CHÂU