'Vua bò' và thương hiệu 'Bò Krông Pa': Một thời lừng lẫy

“Vua bò”

Ông tên thật là Ksor Det (dân tộc J’rai ở buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai). Gọi ông là Ama Doa, bởi con trai đầu của ông tên Doa (Ama Doa nghĩa là bố của thằng Doa - cách gọi của đồng bào Tây Nguyên).

Nhớ có lần (cũng đã gần chục năm rồi), tôi cùng một đồng nghiệp tìm đến nhà ông ở buôn Thim (hôm đó say rượu ghè đến ba ngày sau mới dậy nổi, nên đi về mà… không có được chữ nào về ông). Hồi đó, ông cũng đã ngoài bảy mươi mùa rẫy, nhưng trông ông còn lực lưỡng lắm. Ông Đoàn Khắc Lánh hồi đó còn là Chủ tịch UBND xã Phú Cần, đưa chúng tôi đi. Chủ tịch Lánh giới thiệu xong, ông chụp lấy tay tôi, lôi tuột lên cầu thang nhà sàn, kéo vào trong nhà. Trong nhà hôm đó đang uống rượu. Có khoảng gần chục người ngồi quanh ghè rượu bên bếp lửa, trên bếp than hồng gác cái cẳng bò bốc mùi khen khét đặc trưng nhưng lại vô cùng… quyến rũ.

Ấn tôi ngồi xuống sàn nhà, ông nói: “Hỏi chuyện bò chứ gì? Muốn tao nói thì phải uống hết năm cang đã” (cang là đơn vị đo lường của người Tây Nguyên khi uống rượu cần, được làm bằng cật tre hoặc một loại cây bất kỳ. Tùy theo ghè lớn ghè bé, cang ngắn hay cang dài mà có lượng rượu khác nhau, tuy nhiên bình quân, mỗi cang khoảng gần nửa lít rượu). Tưởng gì, chứ uống rượu thì chuyện nhỏ - tôi thầm nghĩ một cách… đầy kiêu ngạo!

Chờ tôi hết 5 cang rượu, ông giữ lời hứa bằng cách chụp lấy cổ tay tôi, kéo vào một căn phòng nhỏ. Mở tủ, ông lấy ra một cuốn sổ đã ố màu, với chi chít những con chữ, con số ngoằn nghèo: Năm 2003, rồi 2004... Rồi thì ở xã Phú Cần: Buôn Thim 10 hộ nuôi 32 con, buôn Luk 15 con, buôn Tan 89 con, buôn M’láh 40 con. Xã Ia R’mok 150 con, xã Chư Ngọc 53 con, xã Chư Đ’răng 35 con... Tính tổng đàn bò đến năm đó, ông đã có đến… gần 500 con bò, rải ở 10 thôn buôn của 4 xã thuộc huyện Krông Pa, đó là chưa kể 50 con đang trong chuồng nhà ông.

Mỗi hộ nhận nuôi bò “rẽ” của ông đều phải ký hoặc điểm chỉ vào sổ. Nhà nào nhiều nhất là 15 con, ít thì cũng một cặp cày. Tôi nhẩm tính, với chừng ấy con, với giá bò ở thời điểm đó thì ông đã là tỷ phú bò rồi. Thảo nào, người ta gọi ông là “Vua bò” - quả không ngoa tý nào. Tôi thắc mắc: “Gửi ở nhiều nơi, nhiều hộ với đàn bò đông như vậy, làm sao ông quản lý nổi?”, ông cười: “Tao cho người ta nuôi rẽ, mỗi năm tao đi ghi sổ một lần”. “Có khi nào bị mất bò không?”, “Có chứ, nhưng ít thôi. Cái bụng của người đồng bào thật lắm, bò đẻ, bị mất hay ốm đau là họ báo cho tao ngay. Ví dụ như hôm qua có con bò bị chết do dây quấn cổ, họ mang trả lại. Tao làm thịt, đãi cả làng. Còn cặp chân này, hôm nay nướng lên, uống rượu”.

“Vua bò” cho biết: Ông cho bà con nuôi rẽ bằng hình thức ký nhận bò của ông về nuôi, sử dụng cày bừa tùy ý. Mỗi con bò cái đẻ hai con (hai lứa) thì ông lấy một con nghé, người nuôi được một con. Như vậy, những hộ nghèo vừa có bò làm sức kéo, vừa có bò con làm tài sản.

Không ít những hộ khó khăn, nhờ nhận nuôi bò rẽ của ông mà thoát nghèo, trở nên khấm khá. Ama Ngun ở buôn Lăk (xã Ia R’mok) là một ví dụ. Ngun nhận nuôi rẽ bốn con bò gồm hai cái hai đực. Hai con bò cái mỗi năm đẻ một lứa được hai con bò con thì của Ngun một con, một con là của Ama Doa. Sau gần sáu năm nhận nuôi rẽ, bò lớn đẻ bò bé, bò mẹ đẻ bò con… trừ số bò của Ama Doa thì nhà Ngun cũng đã có hơn mười con bò lớn bé, đó là chưa kể Ngun đã bán nhiều con để lấy tiền làm nhà, trang trải cuộc sống. “Không có Ama Doa, chắc nhà mình nghèo mãi. Mình ơn ông ấy lắm!”, Ama Ngun nói.

Tác giả cùng vợ của "vua bò Ama Doa".

Gia sản cho đời sau

Hôm rồi về lại buôn Thim, ông không còn nữa. Vợ ông - một cụ bà chắc khoảng ngoài bảy mươi, dáng người nhỏ thó ngồi trước sân nhà sàn. Bà trò chuyện với tôi, thông qua “thông dịch viên” Lương Quang Ngọc. Bà cho biết: Ama Doa sinh năm 1934 ở làng này. Hồi nhỏ đói khổ lắm, phải vào núi đào củ mài, tìm lá cây để ăn. Lớn lên phải đi làm thuê tận bên Đăk Lăk, rồi bị lùng bắt quân dịch, ông trốn biệt. Rồi bắt vợ (cưới vợ - PV), làm lụng tích góp dần, rồi mua bò… Cũng nhờ nuôi bò mà vợ chồng ông sắm được máy cày, xe chở hàng, xây nhà… Còn nhớ, dạo đó ông nói với tôi: Căn nhà xây phía sau tao làm hết 50 con bò đấy. Họ làm xong nhà, tao dắt luôn 50 con bò to đưa cho họ”.

Sau lưng căn nhà dài truyền thống là căn nhà xây kiên cố trị giá 50 con bò to.

Cuối chiều, Rahlan H’Rơnl (con gái út của “Vua bò”) đón con đi học về. Cô dựng chiếc SH Mode bóng lộn ngoài sân, lễ phép chào hỏi. Theo đề nghị của tôi, H’Rơnl đưa chúng tôi ra thăm mộ ông, ngay sau vườn nhà. Ngôi mộ xây khang trang rộng đến gần ba mươi mét vuông. Ông nở nụ cười hiền trên bức di ảnh.

Vợ chồng “Vua bò” có tám người con. Ngoài bốn người con trai thì bốn cô con gái, gồm: Rahlan H’Yua, Rahlan H’Meng, Rahlan H’Kru và Rahlan H’Rơnl. H’Rơnl là con gái út, ở cùng và nuôi Amí (mẹ). Cô có chồng với ba đứa con, hai gái một trai.

H’Rơnl kể, khi còn sống, cứ mỗi năm cha cô lại làm lễ cúng bò một lần, với mong muốn đàn bò luôn khỏe mạnh, đẻ nhiều, giúp dân làng thoát được cái đói, cái nghèo.... Mỗi một lần cúng bò, tất cả những người nhận nuôi rẽ bò của ông ở các làng, các xã đều dắt bò về, đứng đỏ cả sân vận động, tràn cả ra đường. Bò lớn bò bé, bò mẹ bò con thi nhau kêu váng cả làng. Thấy phức tạp nên sau này, mỗi lần cúng bò, ông đề nghị bà con không dắt bò đến nữa, mà dùng dây thay bò: Mỗi con bò là một sợi dây, ai nhận nuôi mấy con thì mang đến chừng ấy sợi dây, buộc vào một nơi nào đó…

“Cha cháu mất đã hơn một tháng, từ trước tết. Hôm đó, nhà cháu “đập” hơn mười con bò để làm đám, chưa kể bán bò để xây mộ cho ông", H’Rơnl nói.

Vừa cho bò ăn, H’Rơnl vừa kể tiếp chuyện: “Lúc cha cháu về với về với cõi Atâu (chết - PV), những người nhận nuôi bò rẽ dắt bò đến trả, không thiếu một con nào. Theo lời dặn từ trước, đàn bò được chia cho tám anh chị em. Cháu không nhớ là mỗi người được bao nhiêu con, chỉ biết phần của cháu, ngoài hai mươi ba con bò lai nuôi trong chuồng nhà, còn đâu mấy chục con bò cỏ chồng cháu đang chăn thả trên núi, chưa kịp lùa về. Có lẽ, bình quân mỗi người cũng được bốn mươi đến năm mươi con bò”.

Còn nhớ lần trước đến, tôi hỏi “Vua bò” Ama Doa: “Sao ông không nuôi bò lai, bán được nhiều tiền hơn?”, ông trả lời: “Bò lai chỉ biết đứng trong chuồng mà ăn, không biết cày ruộng, lại phải trồng cỏ cho nó ăn nữa. Bò cỏ thả rông trong rừng, ngoài ruộng, ăn thứ gì cũng được, lại cày bừa khỏe, đau ốm thì tự nó khỏe lại. Với lại, cúng Yang (trời - PV) thì chỉ cúng bò cỏ, Yang không thích cúng bằng bò lai đâu”.

Bây giờ, các con của ông đã chuyển sang nuôi nửa bò lai, nửa bò cỏ. Rahlan H’Rơnl nói: “Nuôi toàn bộ bò lai thì không đủ thức ăn, không có người chăm sóc, đau ốm bệnh tật rất tốn kém khi mời bác sỹ thú y. Với lại, phong tục đồng bào thích ăn thịt bò cỏ hơn bò lai, thằng chồng cháu nó cũng thích lang thang với bầy bò trong rừng hơn ở nhà”.

Cũng theo H’Rơnl thì cuối năm 2020, cô bán ba con bò lai, được hơn ba mươi triệu đồng, thêm tiền vào để mua chiếc SH mà cô đang đi.

Chờ mãi mà không thấy “Phò mã bò” - chồng của Rahlan H’Rơnl lùa bầy bò cỏ về. “Chắc nó còn lang thang với bầy bò trong rừng, hoặc đang cho bò uống nước ngoài sông Ba, nó về muộn lắm. Nó thích chơi với bầy bò hơn ở gần vợ con mà”, “Công chúa bò” Rahlan H’Rơnl nói.

Nghe cô nói vậy, chúng tôi đành chia tay buôn Thim.

Trần Đăng Lâm