Văn hóa nghệ thuật mở ra cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Cộng đồng doanh nghiệp Singapore và Việt Nam có thể sử dụng văn hóa như một công cụ của quyền lực mềm để tìm ra điểm chung và tăng cường hợp tác. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên

Để thâm nhập vào thị trường tiềm năng này, các doanh nhân Singapore có thể đăng ký tham gia chuyến công tác kéo dài 1 tuần của Spotlight Singapore đến Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, diễn ra từ ngày 19 – 25/10 tới.

Spotlight Singapore là một nền tảng ngoại giao văn hóa nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh doanh giữa Singapore và các nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới thông qua nghệ thuật và văn hóa. Sự kiện được tổ chức bởi Liên minh Văn hóa Toàn cầu (GCA) và là một thương hiệu của TRCL.

Theo đó, Việt Nam được chọn là điểm đến năm nay để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với Singapore, cũng như 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Các chuyến công tác trước đã diễn ra ở Moscow, Cape Town và Hongkong.

Chuyến công tác của Spotlight Singapore tại Việt Nam (SS Việt Nam) sắp tới bao gồm một “hành trình thảo luận kinh doanh” kéo dài 7 ngày dành cho các doanh nhân trẻ.

Thông qua sự kết hợp giữa các hội nghị kinh doanh, các buổi kết nối và tham quan thực địa ngành, những người tham gia sẽ có được hiểu biết sâu sắc về các cơ hội và thách thức kinh doanh hiện có ở Việt Nam. Cùng với đó, các đại biểu tham gia sự kiện cũng sẽ có cơ hội kết nối với những đối tác Việt Nam cùng chung chí hướng, từ các đồng nghiệp là doanh nhân cho đến các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp.

Điểm nổi bật của chuyến đi là chuyến tham quan Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) trị giá 32 triệu USD tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nằm ở ngoại ô Hà Nội. Trung tâm này được giới thiệu là cơ sở đổi mới sáng tạo lớn nhất tại Việt Nam và sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào tháng 10 tới đây…

Văn hóa nghệ thuật là cầu nối cho doanh nghiệp

SS Việt Nam hiện vượt xa việc chỉ biểu hiện bởi những con số và hoạt động kinh doanh, Chủ tịch GCA Lee Suan Hiang cho biết.

Thay vào đó, sự kiện này muốn khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Singapore và Việt Nam sử dụng văn hóa như một công cụ của quyền lực mềm để tìm ra điểm chung và tăng cường hợp tác.

Khẩu hiệu chính thức của Spotlight Singapore là “Kinh doanh với cái bắt tay văn hóa” đã minh họa rõ ràng cho mục đích này. Theo đó, vai trò của văn hóa và quyền lực mềm trong việc xây dựng cầu nối và củng cố các mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc tạo ra nền tảng mới.

Có thể nói rằng, việc hiểu rõ các sắc thái văn hóa và ngôn ngữ là “rất quan trọng” để đảm bảo sản phẩm cuối cùng vẫn gây được tiếng vang đối với khán giả và người tiêu dùng. Việc hình thành quan hệ đối tác địa phương không chỉ là một chiến lược kinh doanh, đó là việc xây dựng những cầu nối, thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau và đảm bảo rằng công việc vừa xác thực, vừa đạt chất lượng cao.

Cơ hội tăng trưởng ở các ngành trọng điểm

Theo Khảo sát Kinh doanh Quốc gia của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) giai đoạn 2022 – 2023, Việt Nam được các công ty Singapore xếp hạng là một trong ba quốc gia hàng đầu về khả năng mở rộng ra nước ngoài trong kế hoạch ngắn hạn.

Singapore cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong 3 năm qua. Năm 2022, mức đầu tư từ Singapore vào Việt Nam chạm mốc 6,5 tỷ USD, tương đương 23,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, nền kinh tế xanh và kỹ thuật số là những lĩnh vực mới nổi mà các công ty Singapore có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam. Cả hai nước đã ký kết quan hệ đối tác kinh tế kỹ thuật số xanh vào đầu tháng 2/2023.

Bằng việc lưu ý mục tiêu của Việt Nam là tăng tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 20% vào năm 2025, các chuyên gia nhận định rằng điều này sẽ mang đến những cơ hội thú vị trong nhiều lĩnh vực mới như an ninh mạng, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tài chính.

Bên cạnh đó, cũng có thể sẽ chứng kiến thêm triển vọng tăng trưởng về năng lượng tái tạo, tín dụng Carbon và cơ sở hạ tầng bền vững khi Việt Nam nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng với đó, các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất và hậu cần cũng mang lại cơ hội cho các công ty Singapore. Đơn cử, các doanh nghiệp Singapore có thể xem xét cung cấp đào tạo và nâng cao tay nghề cho những người làm việc tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh của Việt Nam…

Cụ thể, Vicinity’s Ng hiện đang mong muốn được hợp tác với các đồng nghiệp trong ngành của Việt Nam và trao đổi kỹ năng, cũng như hiểu biết sâu sắc trong quá trình này. “Khi chúng tôi mở rộng ra nước ngoài, việc thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của chúng tôi. Chúng tôi lạc quan rằng chương trình này sẽ giúp chúng tôi đánh giá khả năng tồn tại của việc mở rộng thị trường, giúp xác định đối tác và cơ hội phù hợp tại thị trường Việt Nam”.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)