Trừu tượng của Lâm Huỳnh Linh

Trong một lần trò chuyện khá hiếm hoi về sáng tác, Lâm Huỳnh Linh cho biết anh từng trải qua một thời gian khá dài phải sống chật vật để nuôi dưỡng đam mê vẽ và vẽ, để có thể “sống chết” với khuynh hướng trừu tượng mà anh đã gắn bó như máu thịt nhiều năm qua. Bây giờ anh có thể “nhập vào trừu tượng một cách dễ dàng”, như thể các dạng thức của hình và màu từ trí não và cảm xúc qua bàn tay anh tuôn trào lên toan, lên vóc, buộc anh làm việc mê mải, không ngừng, tát cạn sức lực cho đến khi tác phẩm được hoàn thiện.

Các tác phẩm của họa sĩ Lâm Huỳnh Linh.

Lâm Huỳnh Linh - con trai của họa sĩ Nguyễn Lâm, bậc thầy hội họa miền Nam - không giải thích được vì sao anh lại bị cuốn hút mạnh mẽ như thế của khuynh hướng trừu tượng, dù anh đã từng nhiều năm vẽ biểu hình. Chỉ có thể nói anh yêu thích trừu tượng và cảm thấy “hạp” với tạng của mình, hay nói như Jean Cocteau: “Người nghệ sĩ không thể nói gì về nghệ thuật của mình chẳng khác gì cây cối không thể nói về nghề trồng trọt vậy”.

Loạt tranh sơn mài trong triển lãm Lặng được Lâm Huỳnh Linh thực hiện từ năm 2018 đến gần đây, cho thấy một chuyển động rõ nét và mạnh mẽ của họa sĩ, kể từ sau hai triển lãm cá nhân vào năm 2017 và 2018, trước đó là triển lãm Trừu tượng + năm 2014 với hai bạn đồng nghiệp.

Nếu ở triển lãm chung năm 2014, anh chỉ mới dè dặt đưa ra loạt tranh khổ nhỏ như một cách “nhập đề” của bài luận dài mà anh sẽ viết suốt cuộc đời nghệ thuật của mình. Đến Nét trầm phiêu lãng, Lâm Huỳnh Linh càng cho thấy rõ hơn các bước đi đến với trừu tượng, cũng là những trải nghiệm thật ảo diệu và cuốn hút. Để rồi triển lãm Dòng chảy năm 2018 anh đã có thể tự khẳng định mình bằng một phòng tranh tầm cỡ, cho thấy đã làm chủ được kỹ thuật và chất liệu sơn ta truyền thống cũng như có những tìm tòi, nghiên cứu để có được những gam màu “sáng” và “lạ” còn ẩn giấu dưới những lớp sơn ta. Nói như Paul Klee, Lâm Huỳnh Linh đã cố gắng đi tìm “những hình thể mới mẻ chưa ai biết đến của cái tôi”.

Các tác phẩm của họa sĩ Lâm Huỳnh Linh.

Tôi có cơ hội được đọc luận văn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật .HCM với tựa Sức mạnh của chất liệu sơn mài - Nền tảng để thực hiện tranh sơn mài và những tác phẩm đương đại của Lâm Huỳnh Linh. Qua luận văn, anh cho thấy nhận thức khá thấu đáo về loại chất liệu đã trở thành truyền thống của người Việt.

Luận văn cũng mô tả chi tiết các loại nguyên vật liệu làm tranh và các công đoạn thực hiện một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh. Tuân thủ kỹ thuật của các bậc tiền bối song Lâm Huỳnh Linh vẫn không ngừng tìm cho mình một bảng màu riêng biệt, đặc biệt là những gam màu xanh lục, xanh lam, lam nhạt, tím phớt… Và làm thế nào để chúng hòa quyện thật “ngọt” với son, then, xám đậm và nhạt, quỳ vàng và vỏ trứng, từ đó hình thành một tổng phổ hòa sắc trong tranh.

Mặt khác, ngôn ngữ hội họa trừu tượng, theo anh “là hình thức thể hiện thế giới quan bằng cách phá thể và lược giản”. Quả vậy, trong một chuyên luận về “cách tạo hình mới trong hội họa”, Pier Mondrian viết đại ý rằng chỉ tiêu biểu thuần túy cho tâm linh con người, nghệ thuật sẽ phô diễn dưới một hình thức thẩm mỹ được tinh luyện, nghĩa là hình thức trừu tượng. Và khi người nghệ sĩ cảm xúc trước vẻ đẹp tự nhiên, anh ta ý thức rằng cảm xúc cái đẹp là một cảm xúc toàn thể, bao quát. Sự nhận thức đó có một hệ luận là lối tạo hình trừu tượng, vì con người chỉ liên kết với những gì phổ quát.

Đến lúc này, Lâm Huỳnh Linh đã có thể yên tâm bước trên con đường dài đã chọn. Tranh anh đã được giới sưu tập đón nhận. Đặc biệt, có một nhà sưu tập ở Hà Nội đã đem về bộ sưu tập của ông một số lượng khá lớn tranh Lâm Huỳnh Linh, phần nhiều là tranh sơn mài và còn tiếp tục “săn tìm” tác phẩm mà ông yêu thích từ xưởng vẽ của anh.

Có thể nói, Lâm Huỳnh Linh đã thành danh và thành công.

Diên Vỹ