Vượt khó thành tỷ phú gà giống

Cũng như nhiều hộ nông dân khác ở huyện Phú Bình, trước đây, thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Cương phần lớn phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Vợ chồng chị phải làm nhiều nghề như: xay xát gạo, làm mì, làm đậu… để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

Với khát vọng vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị Cương đã nỗ lực học hỏi, tìm hiểu cách làm kinh tế qua các phương tiện thông tin đại chúng và những mô hình đã thành công. Năm 2005, chị là người tiên phong ở địa phương mở cơ sở ấp nở giống gia cầm, chăn nuôi gà đẻ với số lượng 500 con gà giống lai Hồ.

Từ chăn nuôi gà đẻ theo phương pháp truyền thống, khi mở rộng trang trại vào năm 2010, gia đình chị Cương đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi theo hình thức khép kín. Theo đó, gà được nuôi nhốt trên lồng, có hệ thống quạt thông gió, nước làm mát, máng ăn bán tự động. Để đảm bảo vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, chuồng trại luôn được phun sát trùng định kỳ 1 lần/tuần; tiêm phòng các loại vắc-xin theo định kỳ, sử dụng đệm lót sinh học…

Để nâng cao hiệu quả việc ấp nở con giống gia cầm, năm 2015, chị đầu tư 12 máy ấp trứng với công suất từ 10.800 đến 22.000 quả trứng/máy/lượt. Khi sử dụng chiếc máy này giúp giảm thiểu việc xát vỏ trứng; có khay đảo tự động nên tiết kiệm sức lao động; tỷ lệ trứng nở đạt từ 85-90%, cao hơn 15-20% so với máy tự gia công của gia đình trước đó.

Cùng với đầu tư, nâng cấp hệ thống chuồng trại, chị còn tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. Nếu như trước đây, 1 con gà trống chỉ giao phối tự nhiên được với 6 con gà mái, thì nay chỉ cần vài con gà trống là có thể thụ tinh cho khoảng 1.000 con gà mái. Phương pháp này giúp nâng cao chất lượng con giống, tỷ lệ trứng có phôi đạt 95%, cao hơn 15% so với cách phối giống truyền thống. Số gà trống để khai thác tinh cần ít hơn nên tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc thú y.

Ngoài phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cho gia đình, trang trại của chị Cương hiện tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng; 25-30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Với những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất tích lũy được trong nhiều năm, vợ chồng chị Cương đã thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều hộ dân ở địa phương. Đồng thời trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ hội viên nông dân, đặc biệt là hội viên có hoàn cảnh khó khăn về con giống, vốn, giá thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, các hộ dân đã có thể tự chủ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Cương cho biết: Tôi sẽ không ngừng học hỏi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất. Từ đó không chỉ nhằm giải phóng sức lao động mà còn đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất. Với quan niệm “muốn đi xa thì đi cùng nhau”, tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho những hộ có nhu cầu mở cơ sở ấp nở con giống gia cầm để liên kết cùng phát triển.