Thành phố công nghệ Bangalore ví như trung tâm văn hóa của Ấn Độ

Được biết đến với nhiều biệt danh – "Thung lũng Silicon của Ấn Độ", "thiên đường của người về hưu", "thành phố vườn", "thủ đô bia" - Bangalore hiện đang nổi lên như một trong những thành phố văn hóa sôi động nhất Ấn Độ.

Bảo tàng Nghệ thuật và Nhiếp ảnh ở Bangalore. Ảnh: Anita Rao Kashi

Thành phố Bangalore từ lâu đã được biết đến là nền văn hóa thông minh, ví như cửa ngõ dẫn vào các điểm đến di sản Mysore và Hampi. Sự đột phá gần đây phải kể đến sự tập trung của các tổ chức tư nhân đầu tư ngày càng mạnh hơn vào Bangalore, dẫn đầu sự bùng nổ về tính sáng tạo và toàn diện trong các lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu và ẩm thực.

Theo Diễn đàn Văn hóa các thành phố thế giới, Bangalore là thành phố duy nhất của Ấn Độ được mời tham gia nhóm "các thành phố toàn cầu chia sẻ niềm tin vào tầm quan trọng của văn hóa". Nhóm này đã thực hiện vào năm 2023.

Từ bảo tàng Nghệ thuật và Nhiếp ảnh (MAP) đến bảo tàng Indian Music Experience

Có lẽ dấu mốc quan trọng nhất là việc khai trương Bảo tàng Nghệ thuật và Nhiếp ảnh (MAP) vào tháng 2 năm 2023. Bảo tàng gồm 5 tầng và rộng 44.000 feet vuông (4.090 mét vuông) của một tòa nhà hình khối sáng bóng ở trung tâm thành phố, với sức chứa hơn 60.000 tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, ảnh chụp, đồ dệt may, sản phẩm thiết kế và đồ thủ công.

Ngoài bốn phòng trưng bày, MAP còn có một thư viện công cộng về nghệ thuật và văn hóa Ấn Độ, một phòng thí nghiệm bảo tồn và một khu học thuật. Giám đốc bảo tàng Kamini Sawhney cho biết ý tưởng của bảo tàng là đưa nghệ thuật đến với cộng đồng và giúp du khách trải nghiệm nghệ thuật nhiều hơn".

"MAP muốn thay đổi toàn bộ trải nghiệm khi tham quan bảo tàng bằng cách biến nơi đây thành một điểm đến hòa nhập và dễ tiếp cận đồng thời thú vị để dạo chơi", ông Kamini Sawhney nói.

Bên cạnh đó, bảo tàng Indian Music Experience cũng khai trương vào năm 2019 nằm trong một tòa nhà lớn hướng về phía nam thành phố, nơi có sự kết hợp màu sắc hài hòa, đường nét duyên dáng và dòng chảy nhạy cảm.

Xuyên suốt một số phòng trưng bày, bảo tàng âm nhạc tương tác duy nhất của đất nước khai thác nguồn gốc của âm nhạc cổ điển trong nước, cả Carnatic và Hindustani, nhưng cũng mang âm hưởng của nghệ thuật dân gian, điện ảnh, nhạc pop, metal và jazz của Ấn Độ.

Màn trình diễn trên cao với hơn 100 nhạc cụ của Ấn Độ rất bắt mắt nhưng phổ biến hơn cả là các khía cạnh tương tác tại các điểm tham quan.

Khu vườn âm thanh ngoài trời phía trước bảo tàng có bộ sưu tập các tác phẩm sắp đặt bằng đá, gỗ và kim loại. Du khách được khuyến khích chạm tạo ra âm thanh và thực hiện âm thanh riêng biệt.

Kedar Nayak, người sáng lập Học viện Âm nhạc Octavium có trụ sở tại Bangalore và là khách thường xuyên đến bảo tàng cũng như tham dự các buổi hòa nhạc cho biết đây thực sự là một trải nghiệm độc đáo, mang tính giáo dục, tăng cường tương tác và thực sự hấp dẫn. Bảo tàng có thể thúc đẩy mọi người khám phá âm nhạc và làm phong phú thêm cuộc sống.

Nhà hàng The Courtyard và rạp xiếc sáng tạo Bangalore Creative Circus

Gần công viên Lalbagh nổi tiếng, nhà hàng the Courtyard ví như một không gian cộng đồng có mái che được biết đến chủ yếu nhờ ẩm thực sáng tạo. Ngoài ra, còn có Naru Noodle Bar, một nhà hàng ramen có 20 chỗ ngồi phục vụ du khách.

Ẩm thực theo chủ đề do các đầu bếp thực hiện trong không gian rộng mở. Ipsa Saini, người đứng đầu bộ phận bán hàng và truyền thông của The Courtyard cho biết tất cả chúng tôi đều hướng tới việc xây dựng một cộng đồng sôi động và vui vẻ.

"Không gian của chúng tôi giống như một sân chơi dành cho cả khán giả và người sáng tạo, mang đến không gian thử nghiệm về nghệ thuật, giải trí và ẩm thực. Hãy tưởng tượng như đây là một xứ sở thần tiên kỳ lạ, nơi bất cứ ai cũng có thể bước vào và tình cờ gặp được những tâm hồn đồng điệu", Ipsa Saini nói.

Bên cạnh đó, nằm bên trong một nhà kho cũ rộng 20.000 foot vuông, rạp xiếc sáng tạo Bangalore Creative Circus có nội thất được làm hoàn toàn từ phế liệu và đồ nội thất làm từ vật liệu tái chế.

Vừa là chợ nông sản, vừa là không gian hội họp của những người tái chế, rạp chiếu phim tài liệu và phòng trưng bày, đây là trung tâm dành cho các nghệ sĩ, nhà khoa học, đầu bếp và người làm vườn cũng như những người mơ mộng.

Người đồng sáng lập Manisha Vinod cho biết rạp xiếc sáng tạo Bangalore Creative Circus phát triển dựa trên sự đổi mới, thử nghiệm và sáng tạo với mục đích làm cho tính bền vững trở nên hữu hình, dễ tiếp cận và thú vị".

"Được mô hình hóa như một phòng thí nghiệm cuộc sống đô thị, đây là nền tảng nơi các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo và người tạo ra sự thay đổi có thể cộng tác, thử nghiệm, đổi mới và giới thiệu. Tương tự, đó cũng là không gian mà người tiêu dùng có thể tìm thấy khả năng tiếp cận kiến thức, giải pháp, dịch vụ và cộng đồng.

Ngoài ra, Trung tâm Quốc tế Bangalore (BIC), cũng được mô tả là "spa cho tâm trí và tâm hồn", nằm trong một tòa nhà sang trọng, cao chót vót, trông giống một công ty gần quận phía đông của Indiranagar. Được thành lập vào năm 2005 như một diễn đàn nhỏ ở nơi khác, BIC chuyển đến trụ sở hiện tại vào năm 2019 và trở thành trung tâm của chủ nghĩa trí thức.

"Bangalore xứng đáng là điểm đến tạo điều kiện cho đối thoại cởi mở và kích thích các giác quan. Chúng ta đang sống trong giai đoạn phân cực. Cần có chương trình cân bằng, được quản lý tốt để cung cấp thông tin và tôn trọng trí tuệ của khán giả," V Ravichandar, Giám đốc danh dự của BIC cho biết./.

Hồng Nhung