An Giang tái cơ cấu nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp An Giang hướng đến nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, ngành nông nghiệp luôn phấn đấu để giữ vững vai trò làm nền tảng của nền kinh tế, không ngừng quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần dân cư nông thôn.

Đặc biệt thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang. Nhằm chuyển đổi sản xuất để thích nghi với điều kiện thực tế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái, vượt kế hoạch đề ra. Các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trước đây.

Cụ thể, mô hình sản xuất các loại rau ăn lá có lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng bưởi đạt 700-800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư. Mô hình trồng nhãn mang lại lợi nhuận từ 500-600 triều đồng/ha sau 2 năm đầu tư.

Bên cạnh các loại cây ăn trái chủ lực như xoài, nhãn, chuối, cây có múi, một số địa phương đã hình thành một số vùng trồng các loại cây ăn trái tiềm năng như sầu riêng, bơ, thanh long… góp phần làm đa dạng chủng loại cây ăn trái của tỉnh.

Trên địa bàn An Giang đã từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…), rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc…), lúa nếp (Phú Tân, Châu Phú) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

Theo kế hoạch đăng ký chuyển đổi của 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau, màu, cây ăn trái và cây trồng khác giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là trên 86.988ha. Trong đó, rau dưa các loại là 14.367,9ha, cây màu 14.316,4ha, cây ăn quả trên 26.304ha, cây cao lương 32.000ha.

Theo ông Lâm, trước mắt, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh An Giang năm 2021 dự kiến thực hiện trên 5.232ha trên rau màu và cây ăn trái. Thực tế cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Theo thống kê năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 49 triệu đồng (tăng 20 triệu so với 2015), giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân khoảng 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng/ha so với năm 2015).

Phát triển cánh đồng lớn

An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL xuất phát điểm của mô hình “cánh đồng lớn” đem lại hiệu quả cao cho nông dân. Vì vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp An Giang luôn củng cố, nâng chất, mở rộng hình thức làm ăn có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Năm 2020, có 42 doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang với diện tích 40.802ha, đạt 6,65% tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh. So sánh với năm 2019, diện tích sản xuất lúa, nếp được thực hiện thu mua qua hình thức liên kết theo chuỗi giá trị đã tăng từ 31.190ha lên 40.802ha.

Giai đoạn 2017-2020, An Giang đã chuyển đổi được hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kết quả này có được nhờ nỗ lực hỗ trợ của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, HTX và nông dân. Các ngành tỉnh và địa phương đã vận động và hỗ trợ thành lập mới 45 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh lên 178 HTX.

Trong đó, có 19 HTX được thành lập mới với sự tham gia góp vốn và nhân sự điều hành từ phía Tập đoàn Lộc Trời. Đây là doanh nghiệp đi đầu khai sinh ra cánh đồng lớn và cũng là doanh nghiệp tâm huyết tham gia thành lập HTX, xây dựng thương hiệu gạo, nếp, lúa mùa nổi. Hiện nay, Lộc Trời đang thử nghiệm và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn liền canh từ 500ha trở lên gắn cơ giới hóa đồng bộ. Đây được xem là kỳ vọng sẽ là mô hình liên kết bền vững và hiệu quả.

Điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất lớn là nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh rất chú trọng áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác chiếm khoảng 80% diện tích. Cả tỉnh có hơn 70% diện tích canh tác lúa chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu, 100% diện tích được máy cày xới, làm đất và thu hoạch lúa, 70% diện tích sạ bằng máy móc...

"Từ nhiều năm qua thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển HTX và cánh đồng lớn đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng theo từng năm. Riêng năm 2021 đã có 44 doanh nghiệp có kế hoạch sẽ thực hiện liên kết tiêu thụ diện tích 109.000ha. Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là lần đầu tiên diện tích cánh đồng lớn đạt 17,6% tổng diện tích, con số mơ ước bởi lâu nay, diện tích này chưa bao giờ vượt qua ngưỡng 10% diện tích của tỉnh" Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang.

Lê Hoàng Vũ