Quỹ đầu cơ Singapore ngừng hoạt động vì bắt đáy cổ phiếu

Công ty quản lý quỹ Asia Genesis Asset Management ở vừa đóng cửa một quỹ vĩ mô (macro fund) sau khi hứng chịu khoản lỗ “chưa từng có” vì sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc và đà tăng mạnh mẽ của thị trường Nhật Bản.

Quỹ đầu cơ Asia Genesis Macro Fund do ông Chua Soon Hock sáng lập và quản lý đã lỗ khoảng 18,8% trong những tuần đầu tiên của năm 2024, theo lá thư gửi tới các khách hàng mà Bloomberg tiếp cận.

Sai lầm khi mua bắt đáy và bán khống cổ phiếu

Asia Genesis Macro Fund đang trong quá trình hoàn lại tiền cho nhà đầu tư sau khi điêu đứng vì các vị thế mua cổ phiếu Trung Quốc và Kong. Quỹ đầu cơ cũng chịu thiệt hại vì các vị thế bán khống cổ phiếu Nhật Bản. Tại thời điểm đầu năm 2024, Asia Genesis Macro Fund đang quản lý khoảng 330,2 triệu USD cho khách hàng.

Ông Chua viết trong lá thư: “Tôi không còn tin tưởng vào năng lực đầu tư của bản thân. Môi trường đầu tư khó khăn kể từ tháng 10/2023 và tháng 1 thảm họa cho thấy kinh nghiệm trong quá khứ không còn giá trị và thậm chí còn gây bất lợi cho tôi”.

Nhà sáng lập thừa nhận quỹ đầu cơ Asia Genesis Macro Fund đã phạm “sai lầm lớn” khi cố gắng bắt đáy cổ phiếu niêm yết ở Hong Kong. Ông cũng “sửng sốt” vì mức chênh lệch giữa chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Trung Quốc hiện nay ngang bằng với năm 1991.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã rơi xuống đáy 5 năm vào ngày 22/1 trong bối cảnh áp lực giảm phát gia tăng và khủng hoảng bất động sản đè nặng lên tăng trưởng kinh tế. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index, thước đo các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong, lao dốc hơn 50% kể từ cuối năm 2020.

Ông Chua Soon Hock, người sáng lập quỹ đầu cơ Asia Genesis Asset Management. (Ảnh: CNA)

Ngược lại, chứng khoán Nhật Bản đang bùng nổ. Hai chỉ số chứng khoán lớn là Topix và Nikkei 225 đều leo lên đỉnh cao nhất trong hơn 30 năm vào tháng 1. Nhà chức trách và sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản đang kêu gọi các công ty nâng cao giá trị cho cổ đông và cải thiện quản trị doanh nghiệp.

Hy vọng sụp đổ

Đà bán tháo tại Trung Quốc cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan. Hôm 22/1, Thủ tướng Trung Quốc ý Cường đã yêu cầu các nhà chức trách thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Sau cuộc họp do ông Lý chủ trì, các nhà lãnh đạo bình luận rằng Bắc Kinh cần cải thiện tính nhất quán của chính sách vĩ mô để củng cố cuộc phục hồi kinh tế.

Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn tránh dùng những biện pháp lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos vào tuần trước, ông Lý nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc vượt mục tiêu chính thức mà không cần “kích thích khổng lồ”.

Trong bức thư, ông Chua của quỹ đầu cơ Asia Genesis Macro Fund bày tỏ sự thất vọng vì Bắc Kinh đã không thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống giảm phát.

Niềm hy vọng cuối cùng của ông Chua là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp đầu tháng này. Nhưng PBoC đã hành động trái với kỳ vọng của thị trường và giữ nguyên lãi suất các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm.

Ông Chua nhận thấy ưu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình không phải là thị trường chứng khoán. Sau đó, quỹ của ông đóng toàn bộ vị thế vào ngày 18/1.

Trước đây, ông Chua từng điều hành một quỹ vĩ mô tập trung vào thị trường Nhật Bản, đạt được tỷ suất sinh lời hàng năm 18,7% trong giai đoạn 2000 - 2009. Ông đã nghỉ hưu và rút khỏi ngành quỹ đầu cơ trong nhiều năm trước khi quyết định quay trở lại và lập quỹ mới vào năm 2020.

Quỹ vĩ mô của ông tạo ra tỷ suất sinh lời hàng năm vào khoảng 7,9% kể từ khi thành lập vào tháng 5/2020 cho đến cuối năm 2023. Quỹ chưa trải qua năm thua lỗ nào.

“Tôi đã đánh mất lợi thế về kiến thức, giao dịch và tâm lý đầu tư. Các quy tắc phần thưởng/rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn đã đảo lộn”, ông Chua viết.

Tùng Lâm/Reuters