Quảng Ngãi: Hơn 100 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử được đưa vào quản lý thuế

Bổ sung hoạt động thương mại điện tử vào đề án chống thất thu thuế

Chiều ngày 30/11/2023, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị sơ kết trực tuyến Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam”. Tham dự trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ảng Ngãi có ông Đinh Thiên Khanh - Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi và lãnh đạo các phòng chức năng, chi cục thuế.

Thông tin về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn, đại diện Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết, cục thuế đã xây dựng “Đề án tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực trên địa bàn”; kế hoạch triển khai và trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt.

Cục Thuế Quảng Ngãi tham dự trực tuyến sơ kết Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Ảnh: CT

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định triển khai “Đề án tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025”; đồng thời phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó có công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Đồng thời, Cục Thuế Quảng Ngãi đã có văn bản phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, các ngân hàng thương mại, các đơn vị chuyển phát nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, doanh thu bán hàng…, của các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa trên nền tảng số, mạng xã hội để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này.

Cục Thuế Quảng Ngãi chủ động phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí và các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT để người nộp thuế (NNT) hiểu, thực hiện đúng quy định pháp luật.

Đại diện Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết, qua công tác rà soát, đối chiếu, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, danh sách thông tin của các cá nhân bán hàng trên sàn TMĐT do Tổng cục Thuế cung cấp, khai thác dữ liệu trên ứng dụng kho cơ sở dữ liệu tập trung ngành Thuế (ứng dụng DW) do các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin đã đạt được một số kết quả rất khả quan.

Cụ thể, năm 2021, Cục Thuế Quảng Ngãi đã phát hiện một số hộ kinh doanh có cơ sở cố định, có mua bán trực tuyến nên đã xác định lại doanh thu tính thuế và đưa vào lập bộ với tổng doanh thu phát sinh 3 tỷ đồng/tháng.

Năm 2022, cục thuế đã khai thác và cung cấp danh sách gần 630 cá nhân có hoạt động TMĐT gửi đến chi cục thuế xử lý, qua đó đưa vào lập bộ 104/630 cá nhân có bán hàng trên các trang mạng xã hội, với tổng doanh thu 2,22 tỷ đồng/tháng, với tổng số thuế 45,6 triệu đồng/tháng, truy thu 85 triệu đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 500 cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT cơ quan thuế chưa liên hệ được. Nguyên nhân do số cá nhân này không có địa chỉ rõ ràng, không có phương thức liên hệ (số điện thoại) và sử dụng giao dịch bằng tiền mặt, nên chưa đủ cơ sở để cơ quan thuế xác định doanh thu tính thuế.

Thông tin thêm từ Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, cục thuế đã lập bộ mới 16 cá nhân với tổng doanh thu 0,25 tỷ đồng/tháng, số thuế phát sinh 4,55 triệu đồng/tháng, truy thu 139,5 triệu đồng.

Phối hợp xác minh để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra

Bà Mai Thị Ánh Ly - Phó trưởng Phòng Quản lý hộ, cá nhân kinh doanh và thu khác (Cục Thuế Quảng Ngãi), cho biết, việc quản lý thuế hoạt động TMĐT trên địa bàn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, bởi hoạt động kinh doanh TMĐT có những tính chất đặc thù như: quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch.

Loại hình kinh doanh online không công khai địa chỉ nơi bán hàng, tạo tài khoản ảo hoặc tên đăng ký trên mạng khác với tên thật và phần lớn các tổ chức kinh doanh TMĐT tại Việt Nam chưa tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức kinh doanh thường sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài không kê khai doanh thu tính thuế.

Đại diện Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Quảng Ngãi) phổ biến chính sách thuế mới, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai nộp thuế hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: CT

“Ngoài ra, việc khai thác dữ liệu trên ứng dụng DW, đối với biểu tổng hợp giao dịch của cá nhân kinh doanh trên sàn, dữ liệu cung cấp không đầy đủ thông tin như: số điện thoại, địa chỉ cư trú... Do đó, khi rà soát dữ liệu, cơ quan thuế không thể xác định được các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT nào. Mặt khác, các cá nhân này gần như đều là mã số thuế làm công ăn lương, cơ quan thuế liên hệ làm việc đều từ chối việc có kinh doanh, không có cơ sở để làm việc với người nộp thuế” - bà Ly thông tin.

Khi cơ quan thuế thu thập, xác minh thông tin về doanh thu tính thuế của năm 2021, 2022, 2023 của các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, cung cấp hàng hóa trên nền tảng số, mạng xã hội từ các cơ quan chức năng, là cơ sở mời cá nhân đến làm việc tại cơ quan thuế thì gặp vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm về đăng ký thuế và khai thuế, như: xác định hành vi vi phạm về đăng ký thuế, khai thuế.

Cục Thuế Quảng Ngãi đang tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thu thập, xác minh thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT trong thời gian tới.

Chia sẻ về công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT trong thời gian tới, bà Mai Thị Ánh Ly cho biết, cục thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền phổ biến chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Chủ động phối hợp với chi cục thuế, các phòng và các sở, ngành liên quan nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Thực hiện khai thác dữ liệu trên ứng dụng DW để đối chiếu, xác minh thông tin về doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm phân loại nhóm đối tượng thuộc diện phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Ngoài ra, Cục Thuế Quảng Ngãi cũng sẽ tăng cường rà soát đối với hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu trên nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook…, qua các tổ chức chuyển phát thu hộ tiền bán hàng và bưu điện (hình thức COD) để thực hiện xác minh thông tin doanh thu thực tế phát sinh từ hoạt động kinh doanh bằng phương thức điện tử, nhằm hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định./.

Văn Tuấn