Pep Guardiola thất bại và thành công từ trăn trở

Khó có thể lý giải tại sao Pep không sử dụng Rodri hoặc Fernandinho, hoặc cả hai mà thay vào đó, dùng Ilkay Gundogan đá tiền vệ trụ. Gundogan là một tiền vệ đa năng và hiệu quả. Nhưng về cơ bản, anh vẫn là số 8 sở trường chứ không phải số 6.

Đến lúc này, khi N'Golo Kante giành cúp Champions League cho Chelsea, đoạt luôn danh hiệu cầu thủ hay nhất trận sau một điệu luân vũ tuyệt diệu kéo dài 90 phút, người ta có thể chê trách quyết định của Pep nhiều hơn, khi ai cũng nhận thấy ông khiến khu trung tuyến Man City bị thủng lỗ chỗ.

Song, không ở cương vị của Pep, chúng ta khó có thể thấu hiểu điều ông muốn, kế hoạch ông đặt ra và sự đổ vỡ của nó. Lựa chọn liều lĩnh của Pep có thể đã đúng, nếu như Man City ghi bàn thắng sớm.

Ý tưởng chiến thuật của Pep Guardiola không thể mang lại hiệu quả trước Chelsea. Ảnh: Getty Images.

Quyết định của Pep Guardiola

Bóng đá nói riêng và rất nhiều thứ trong đời sống nói chung, chúng ta hay lấy kết quả luận anh hùng. Nhưng chẳng phải ai cũng có một ca khúc, cuốn phim, cuốn sách ưa thích dù chúng không phải những sản phẩm "hit", "best seller" đính kèm với tên tác giả nổi như cồn đó?

Thực tế, quyết định của Pep có mục đích rất rõ ràng. Ông xác định Chelsea sẽ chơi phản công với đội hình có thể thấp. Do vậy, Pep muốn tạo ra một Man City chơi dâng cao, áp sát toàn tuyến ngay trên phần sân đối phương, kiểm soát không gian một cách triệt để, tạo ra các đợt hãm thành dồn dập với một chủ trương trọng tâm: Ghi bàn sớm khiến đối phương phải thay đổi và vỡ trận.

Nhưng mưu sự tại nhân, hành sự tại... "men". Hành sự ở đây không phải tại men rượu mà là "men" trong tiếng Anh. Những con người của Pep có thể thực hiện chuẩn xác điều ông muốn hay không lại là chuyện hoàn toàn khác. Ở trận chung kết, họ đã không làm đúng những gì ông yêu cầu.

Xếp Oleksandr Zinchenko chơi ngay từ đầu, Pep lộ rõ bài quen thuộc mà ông đã sử dụng suốt thời gian qua ở cả Premier League lẫn Champions League.

Đó là khi Man City phòng ngự, họ sẽ chơi với hàng thủ 4 người Zinchenko - Ruben Dias - John Stones - Kyle Walker. Còn khi Man City triển khai bóng, Zinchenko được đẩy lên chơi như một tiền vệ trung tâm cạnh Gundogan. Họ sẽ chỉ còn hàng thủ 3 người với Walker là một trung vệ lệch phải.

Tuy nhiên, lối vận hành quen thuộc đó đã trở nên không quen thuộc ở Estadio do Dragao. Thông thường, khi Man City dàn xếp tấn công ở khoảng 1/3 sân đối phương, Zinchenko sẽ bám biên để Phil Foden có thể cắt vào trong và chơi ở phần không gian thuận tiện nhất.

Song, ở trận chung kết, người bám biên lại là Raheem Sterling, và Zinchenko buộc phải di chuyển vào khu vực hành lang trong. Như vậy, không gian hoạt động của Foden bị hạn chế rất nhiều, khiến lối chơi của anh mất đi tính bất ngờ và khả năng khai thác các vị trí mở khó có thể mang lại hiệu quả.

Sự lúng túng của Foden là khá rõ. Anh có xu hướng hoặc bám biên trái, hoặc xâm nhập chơi như một tiền đạo lùi. Trong khi đó, nhân sự ở hành lang trái của Man City trở nên quá dày với sự tham gia của cả Kevin De Bruyne.

Fernandinho vào sân quá muộn, khiến Man City không thể triển khai lối chơi thường ngày. Ảnh: Getty Images.

Sterling hiếm khi di chuyển cắt vào trong với vai trò của một tiền đạo trái. Sự hỗn loạn ấy đã khiến Man City cầm nhiều bóng, nhưng không hiệu quả suốt hiệp một, đặc biệt khi Chelsea chơi phòng ngự chặt chẽ khi hình thành hệ thống phòng thủ 5 hậu vệ, trong lúc bị đối phương dồn ép bên phần sân nhà.

Sự dồn cục, thậm chí nhiều khi chồng chéo nhau ở biên trái, với đông quân số đã dẫn tới biên phải của Man City không thể bùng nổ vì Riyad Mahrez hoàn toàn thiếu người hỗ trợ. Bernando Silva gần như mất tích suốt thời gian có mặt trên sân. Điều đó dẫn tới Man City không hề có một pha tấn công từ nách phải nào ra hồn. Chính nách phải ấy, với sự hiện diện của Mahrez, là điểm sáng rất lớn của Man City trong 2 trận bán kết. Ở chung kết này, khi cơ cấu hàng tiền vệ của Man City bị xáo trộn, điểm sáng ấy trở thành một phế tích hoang tàn.

Điều đáng nói hơn cả là cách nhân sự của Pep hoạt động khi đang chuyển từ trạng thái tấn công sang phòng ngự và chống phản công. Họ không đủ linh hoạt để xoay chuyển lại, tạo nên một hệ thống đủ quân số, khống chế được các không gian tiềm tàng nguy cơ.

Pha phản công tạo nên bàn thắng duy nhất của Chelsea đủ nói lên tất cả. Thất bại không chỉ nằm ở chỗ trung tâm hàng tiền vệ mỏng manh hơn đối thủ, mà còn nằm ở điểm hàng thủ không kịp ứng biến khi tốc độ chơi bóng là quá cao.

Man City dâng cao đội hình và gần như phần lớn thời gian, cầu thủ thấp nhất phía trên hàng thủ của họ luôn ở gần vòng tròn giữa sân. Khi dồn nhân sự để tạo sức ép trên phần sân đối phương và bị phản đòn, Man City không trở tay kịp trong chuyện xoay từ hàng thủ 3 người trở về với hàng thủ 4 người.

Walker đã chiến đấu rất nhiệt nhưng ở trận chung kết, anh không phân định được rạch ròi giữa vai trò hậu vệ biên và trung vệ lệch phải. Đơn giản, tiền vệ trung tâm là người sẽ luôn hỗ trợ, bọc lót hậu vệ biên khi nguy cấp. Man City không có những cầu thủ có tính chiến đấu thực thụ để đảm lãnh nhiệm vụ ấy.

Chỉ khi Pep thay đổi lại, đưa Fernandinho vào sân, tuyến giữa cũng như hệ thống phòng ngự của Man City mới cân bằng trở lại một chút. Nhưng khi thời gian càng trôi nhanh và sự sốt ruột ngày càng lớn, những tình huống thay người về sau của Pep dường như thể hiện sự tuyệt vọng kiếm tìm bàn thắng, hơn là để xoay chuyển cục diện một cách khoa học.

Bóng đá thế giới sẽ được hưởng lợi từ những ý tưởng chiến thuật cải biến của Pep Guardiola. Ảnh: Reuters.

Pep Guardiola vĩ đại

Nếu là một HLV khác, họ sẽ không thay đổi quá nhiều một công thức đang ổn định. Nhưng Pep lại là một cá thể khác biệt hoàn toàn. Ông luôn sống với trăn trở làm sao để hoàn thiện nhất những gì mình có trong tay. Chính sự trăn trở ấy đã khiến ông có được ngày hôm nay, cả thành lẫn bại.

Thomas Tuchel có thay đổi công thức của Chelsea đang mang lại hiệu quả gần đây hay không? Không. Zinedine Zidane ngày xưa có thay đổi công thức mà Real Madrid đã cùng ông chinh phục các đối thủ hay không? Không.

Họ giữ cho mình càng bớt mệt mỏi thần kinh càng tốt bởi họ hiểu, trận chung kết sẽ đòi hỏi họ kiệt lực trên cầu trường trước những nước cờ của đối thủ. Còn Pep, ông chơi "cờ tưởng", với sự tưởng tượng về các nước đi của đối thủ vốn dĩ được đúc rút từ chính kinh nghiệm đối diện họ, quan sát họ. Ông luôn tự làm mệt chính mình với những trăn trở không bao giờ ngừng.

Những toan tính ông đặt ra trước Chelsea là không sai. Nhưng cơ bản, một thay đổi quá nhanh sẽ không thể khiến cầu thủ bắt kịp. Ý tưởng của Pep luôn lồng lộng, đi trước người khác rất nhiều, rất sớm và rất xa. Ngay cả nhiều HLV bậc thầy còn không theo kịp. Vậy các cầu thủ làm sao có thể khi họ không chỉ đá bóng bằng trí tưởng tượng, mà còn phải bằng những cơ bắp luôn có điểm tới hạn của mình.

Nếu như đây là một trận cầu ở Premier League, rất có thể chỉ một tuần sau thôi, cũng ý tưởng ấy, Man City sẽ làm nhuần nhuyễn. Nhưng chung kết không cho phép ai làm lại bao giờ, đặc biệt là những trận như trận đầu tiên của Man City và trận 10 năm đợi chờ của Pep.

Khen kẻ thành công, chê kẻ thất bại thì dễ. Nhưng phải nhìn thẳng vào thất bại của Pep để thấu hiểu một điều: Ông không phải là HLV vĩ đại vì ông có thể mang về các danh hiệu.

Sự vĩ đại của ông đến từ những trăn trở làm sao để phát triển hơn nữa về chiến thuật bóng đá hiện đại. Ông coi trạng thái hiện thời của bóng đá như một thách thức cần giải quyết để tạo ra một trạng thái tốt hơn trong tương lai.

Dám đương đầu với rủi ro lớn, dám thoát ra khỏi vùng thuận tiện, Pep đánh đổi tất cả, kể cả bị dè bỉu sau thất bại để rồi ông được gì? Ông chẳng được gì cho mình, nhưng bóng đá thì được rất nhiều, bởi sẽ có nhiều HLV trẻ trung học hỏi từ ông, từ chính những thất bại của ông, như trận thua Chelsea đêm qua, một trận đấu mà thực ra, nếu cầu thủ làm được đúng kế hoạch Pep vẽ ra cho họ, rất có thể họ mới là nhà vua châu Âu mùa giải này.

'Man City bắt đầu tạo nên lịch sử' Huấn luyện viên Pep Guardiola tự tin tạo ra lịch sử sau khi hạ Dortmund với tổng tỷ số 4-2 để bước vào bán kết Champions League 2020/21.

Hà Quang Minh