Nhiều trường đại học top đầu không còn 'mặn mà' xét tuyển bằng học bạ

Nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét học bạ THPT là phù hợp trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thời gian qua, xét học bạ THPT là phương thức xét tuyển đại học phổ biến, giúp thí sinh rộng cửa vào đại học, giảm bớt áp lực thi cử. Tuy nhiên, phương thức này cũng khiến nhiều người băn khoăn về độ tin cậy trong bối cảnh dư luận nghi ngại có hiện tượng “làm đẹp” học bạ cho học sinh.

Theo đó, mùa ển sinh năm 2024 ghi nhận nhiều cơ sở giáo dục đại học loại bỏ phương thức xét học bạ như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội... Điều này nhận được sự quan tâm lớn của người dạy và người học.

Thông tin trên Giáo Dục Việt Nam, để giải quyết tình trạng “làm đẹp học bạ”, đảm bảo tuyển sinh công bằng hơn nhiều trường đại học đã điều chỉnh các phương thức tuyển sinh, bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông, chuyển sang phương pháp đánh giá đa chiều hơn.

Dự kiến kỳ tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường chỉ còn 2% chỉ tiêu xét tuyển thẳng, 18% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 80% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng. Như vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã không còn phương thức tuyển sinh bằng học bạ trung học phổ thông.

Nêu quan điểm về vấn đề này với Lao Động, bạn Bùi Đức Nghĩa - học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) - cho rằng, các trường đại học loại bỏ phương thức xét học bạ THPT bởi đã có kế hoạch sử dụng kết quả của các kỳ thi riêng. Điều này phù hợp với xu hướng tuyển sinh hiện nay.

"Mỗi cơ sở giáo dục có cách nhìn nhận và đánh giá thí sinh riêng, cũng vì vậy, họ có yêu cầu khác nhau trong việc xét tuyển đầu vào. Theo em, các trường có thể bỏ hoặc giữ phương thức xét học bạ THPT tùy theo nhu cầu", Nghĩa nói.

Tương tự, ủng hộ việc bỏ phương thức xét tuyển đầu vào bằng điểm học bạ, bạn Trần Lưu Minh - học sinh Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) lý giải: "Điểm học bạ sẽ thể hiện được quá trình học tập và thi cử của các bạn. Tuy nhiên, đề thi và lượng kiến thức giữa các trường trên cả nước là khác nhau, độ khó dễ cũng chênh lệch, vì vậy xét học bạ sẽ không thực sự công bằng cho học sinh. Bên cạnh đó, xét học bạ đơn thuần cũng không thể đánh giá toàn diện năng lực học sinh, vì vậy thi vẫn là phương án tối ưu nhất", Lưu Minh chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Bỏ xét tuyển học bạ: Tín hiệu có "đáng mừng"?

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Trang cho biết: Năm 2019, nhà trường lần đầu tiên đưa phương thức xét tuyển học bạ vào tuyển sinh. Tuy nhiên, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tuyển sinh bằng học bạ.

"Những năm sau đó Trường Đại học Nha Trang đã ngừng phương thức xét tuyển này bởi mức độ tin cậy không cao. Thực tế, từ kết quả học bạ bậc trung học phổ thông, nhất là kết quả lớp 12, có thể ở một thời điểm, một môn học thí sinh học chưa đều, bên cạnh đó, mỗi trường, mỗi giáo viên, từng vùng miền sẽ có cách đánh giá khác nhau. Việc ghi nhận kết quả học tập khác nhau nên nếu sử dụng kết quả học bạ xét tuyển đại học sẽ tạo ra sự không công bằng", thầy Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tuyển sinh đại học thông qua học bạ có thể giúp các trường dễ dàng tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. Hiện nay, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đánh giá của các cơ sở giáo dục khác nhau, có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội.

Cũng theo thầy Đức, thực tế hiện nay, tỉ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ chiếm phần trăm khá cao. Chính vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế…

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân giảm 7% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông so với năm 2023.

Công tác tuyển sinh các năm cho thấy, nhóm thí sinh trường chuyên có học lực rất giỏi và hầu hết đáp ứng các điều kiện khác như: có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Để tránh hiện tượng thí sinh ảo, nhà trường không tuyển theo điểm học bạ để vừa giảm tỉ lệ ảo vừa không gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.

Thực tế, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau theo hình thức xét tuyển sớm. Điều này cũng có thể dẫn đến tỉ lệ ảo cao cho các trường. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác dự báo, đơn vị có thể tuyển sinh thiếu hoặc thừa chỉ tiêu.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ, ông thấy rất mừng khi nghe tin các trường đại học lớn không còn sử dụng kết quả học bạ THPT để tuyển sinh.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, xét tuyển vào đại học dựa vào kết quả học bạ thực tế không phải là “sáng kiến” mới ở Việt Nam hay của các trường Việt Nam, bởi trên thế giới đã có nhiều quốc gia, nhiều trường đại học áp dụng. Tuy nhiên, cần so sánh điều kiện thực tế tại Việt Nam và các nước nói trên.

Những trường đại học và những quốc gia triển khai phương thức xét tuyển này thành công là bởi họ đã hình thành được văn hóa chất lượng, có nghĩa làm điều gian dối sẽ bị toàn xã hội lên án. Bên cạnh đó, hệ thống các trường phổ thông của họ được kiểm định rất chắc chắn, dù không có một barem điểm (thang điểm sẵn để chấm thi) cho cả nước nhưng mức độ chặt chẽ, nghiêm ngặt của thang điểm ở các trường phổ thông đều tương tự như nhau.

Đó là lý do nhiều nơi trên thế giới thậm chí đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học.

Trúc Chi (t/h)