Độc đáo quất tiểu cảnh ngày Tết

Khách hàng tham khảo các tác phẩm quất tiểu cảnh kí trong gỗ lũa. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Trước đây người dân Nam Định chơi quất Tết thường mua cả cây về trồng trong chậu nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu chơi quất Tết đã có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng và tinh tế hơn.

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều chủ vườn quất cảnh tại tỉnh Nam Định đã sáng tạo ra những loại cây quất bonsai với kích thước nhỏ gọn và nhiều dáng, thế đẹp, bắt mắt, mang lại sự độc đáo cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Phạm Minh Châu, xã Nam Toàn, huyện Nam Trực là người có nhiều tác phẩm quất bonsai đẹp, được xem là một trong những người đầu tiên ở Nam Định đã nghiên cứu, sưu tầm, tạo ra các tác phẩm quất bonsai phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.

Ông Châu cho biết, thú chơi cây ngày Tết xuất phát từ quan điểm, ngày đầu năm mới trong nhà phải có đủ 4 yếu tố cây xanh, ánh sáng, người thân và con vật nuôi. Ngày nay, điều kiện kinh tế ngày càng cao, việc chơi cây dần đi vào chiều sâu, không chỉ dừng lại ở việc trang trí nữa, mà còn thể hiện quan điểm, tư tưởng của gia chủ.

Nắm bắt xu hướng này, những năm trở lại đây, ông Châu đi sâu vào việc sáng tạo các tác phẩm quất bonsai. Ban đầu ông làm các tác phẩm trong bình gốm với những thế cây uyển chuyển.

Tuy nhiên, bình gốm có nhiều hạn chế, không sang trọng. Do vậy, ông đã kết hợp giữa quất cảnh với gỗ lũa, dựa theo dáng thế của cây quất, kết hợp cùng sự mộc mạc của khúc gỗ để tạo nên những tác phẩm hội tụ đủ các yếu tố cổ - kỳ - mỹ.

Theo ông Châu, để tạo nên một tác phẩm quất tiểu cảnh mang đầy đủ nội dung sâu sắc và hình thức bắt mắt phải tính toán kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào làm. Để làm nổi bật vẻ đẹp của cây quất từ gốc, cành, hoa, lá, quả, phải lựa những cây quất già, có phần gốc to, độc đáo.

Để có những cây quất theo yêu cầu, đảm bảo các tiêu chuẩn này, ông đã dành nhiều thời gian sưu tầm những cây quất nhiều năm tuổi, những cây có gốc đẹp ở các vườn quất, sau đó mang về trồng vào chậu và tạo dáng theo ý muốn.

Đất trồng quất được pha trộn một nửa là đất màu, một nửa là xỉ than, thuận tiện cho việc thích nghi của cây khi được đưa vào thân gỗ.

Gỗ dùng để kí gửi quất thường là gỗ gụ với hương thơm tự nhiên. Gỗ lũa là phần lõi ở gốc của các cây cổ thụ, khá cứng và không bao giờ bị mối mọt, mục nát. Mỗi khúc gỗ lũa có vẻ đẹp tự nhiên và không giống nhau.

Tùy theo dáng của mỗi cây quất, ông Châu lựa chọn những gốc gỗ lũa phù hợp để kí gửi, cùng với việc kết hợp các họa tiết trang trí bằng gốm như con trâu, con cò, mái đình… do chính ông sáng tác thành những tác phẩm quất tiểu cảnh với giá trị thẩm mỹ cao.

Ông Châu chia sẻ, việc làm quất tiểu cảnh không khó, ai cũng có thể kí gửi quất vào gỗ được nhưng để có một tác phẩm đẹp phải có sự tính toán kỹ lưỡng từ việc chọn cây, chọn gỗ, chọn chậu sao cho hài hòa, phù hợp, cùng với khả năng sáng tạo, am hiểu văn hóa vùng, miền để tạo nên những tác phẩm hội tụ đủ sự thẩm mỹ cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Theo ông Châu, nhu cầu chơi cây đẹp của người dân ngày càng cao, những năm gần đây, quất tiểu cảnh được người dân đặt mua rất nhiều. Vụ quất Tết năm 2020, doanh thu từ việc bán quất tiểu cảnh của gia đình ông đạt gần 2 tỷ đồng.

Năm nay, ông chuẩn bị gần 1.000 tác phẩm, hiện đã có gần 500 tác phẩm được đặt mua. Mỗi tác phẩm có giá từ 3 triệu đồng trở lên tùy kích thước, kiểu dáng.

Cũng như ông Châu, việc sáng tạo quất tiểu cảnh được anh Lê Văn Nguyện ở xóm 3, xã Nam Toàn, huyện Nam Trực thực hiện 3 năm gần đây bởi quất tiểu cảnh cho giá trị cao hơn rất nhiều so với trồng quất bình thường. Một tác phẩm có giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng.

Anh Lê Văn Nguyện chỉnh sửa tác phẩm quất tiểu cảnh trước khi giao cho khách. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Dịp Tết Nguyên đán năm 2020, anh Nguyện bán được 200 tác phẩm với doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Năm nay, anh dự định làm 150 tác phẩm, đến nay đã có gần một nửa số tác phẩm được đặt mua.

Anh Nguyện chia sẻ, quất tiểu cảnh cho giá trị cao nhưng việc này cũng đòi hỏi người trồng phải đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Có những tác phẩm kích thước nhỏ chỉ mất một tuần đến 10 ngày công, nhưng cũng có những tác phẩm anh mất gần 2 tháng thực hiện.

Việc kí quất vào gỗ đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải làm sao để cây quất sống ổn định trong gỗ và đảm bảo di chuyển tác phẩm không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như sự phát triển của cây.

Những năm gần đây, người sành chơi tìm đến các nhà vườn kí quất đặt hàng từ rất sớm. Quất tiểu cảnh được nhận xét là phù hợp với mọi không gian, người chơi cây không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tác phẩm mà còn thấy được những triết lý đạo đức sâu sắc. Bởi vậy, quất tiểu cảnh là một thú chơi mới đang được người dân Nam Định ưu chuộng.

Theo các chủ hộ làm quất tiểu cảnh, hiện nguồn cung không đủ cầu, người mua cây ở các tỉnh như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng... tìm đến các vườn để tìm hiểu và lựa chọn những tác phẩm đẹp cho gia đình, cơ quan, xí nghiệp trang trí ngày Tết. Đây được xem là hướng phát triển mới cho những hộ làm nghề trồng quất tại Nam Định.

Với các hộ trồng quất, Tết Nguyên đán là thời điểm các nhà vườn thu lại thành quả lao động trong suốt một năm. Để nâng cao thu nhập từ việc trồng quất, các nhà vườn đã đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, đồng thời mạnh dạn sáng tạo, áp dụng những xu thế chơi cây mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi cây.

Những năm gần đây, nghề trồng quất cảnh, quất thế tại Nam Định mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngày một phát triển. Diện tích trồng quất lên tới hàng trăm ha, tập trung chủ yếu ở thành phố Nam Định và một số huyện như: Nam Trực, Trực Ninh../.

Nguyễn Lành/TTXVN