Mỹ - Hàn Quốc đạt tiến triển trong đàm phán về chia sẻ chi phí quốc phòng

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tham gia tập trận bắn đạn thật tại Pocheon, gần khu vực biên giới liên Triều, ngày 29/12/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại ỹ, kết quả đạt được tại vòng đàm phán ở thành phố Honolulu (Hawaii) trong tuần này. Đây là vòng đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn 2 nước về vấn đề chia sẻ chi phí Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Mỹ-Hàn (SMA).

Trong một tuyên bố, bà Specht cho biết Mỹ và àn Quốc đã vạch ra tầm nhìn của mỗi bên cho SMA lần thứ 12, song không cung cấp thông tin chi tiết. Bà Specht nhấn mạnh: “Cam kết tăng cường khả năng sẵn sàng tư thế phòng thủ kết hợp cho thấy sức mạnh lâu dài của liên minh Mỹ-Hàn”, đồng thời khẳng định hai bên sẽ tiếp tục tham vấn bất cứ khi nào cần để tiếp tục thúc đẩy và duy trì quan hệ đồng minh theo SMA lần thứ 12.

Ngay trước cuộc đàm phán, bà Specht bày tỏ Mỹ hy vọng đạt được kết quả công bằng và bình đẳng với cả hai bên trong quá trình đàm phán về SMA.

Vòng đàm phán trên diễn ra từ ngày 23-25/4. Phái đoàn Mỹ do bà Specht, cố vấn cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn, cùng các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và đại diện lực lượng đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc. Về phía Hàn Quốc do Trưởng đoàn đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Mỹ-Hàn thuộc Bộ Ngoại giao Lee Tae-woo dẫn đầu cùng các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Tài chính, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA).

Mỹ và Hàn Quốc đã bổ nhiệm các đặc phái viên của mỗi nước về vấn đề này vào tháng trước để khởi động các cuộc đàm phán sớm nhằm đạt một thỏa thuận mới có hiệu lực vào năm 2026. Truyền thông Hàn Quốc cho biết mục đích của đàm phán là để đạt một thỏa thuận trước khi diễn ra các cuộc bầu cử tại Mỹ vào đầu tháng 11 tới.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra đúng tiến độ và trước thời hạn, nhưng Mỹ không coi thời điểm tháng 11 là “thời hạn chót” phải đạt được thỏa thuận.

SMA là hiệp định về mức gánh vác của Seoul trong chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Mức đóng góp của Seoul được chia làm 3 hạng mục là chi phí nhân công (tiền lương tuyển dụng nhân lực người Hàn tại căn cứ đồn trú của Mỹ), chi phí xây dựng (bên trong căn cứ quân đội Mỹ), chi phí hỗ trợ hậu cần quân sự.

Theo Hiệp định SMA lần thứ 11, mức gánh vác của Hàn Quốc năm 2021 là 858,8 triệu USD, tăng 13,9% so với năm trước. Mức đóng góp 4 năm tiếp theo được phản ánh theo mức tăng ngân sách quốc phòng hàng năm của Seoul.

Quang Huy – Nguyễn Hằng (TTXVN)