Khởi nguồn của 'hội tụ và lan tỏa'

Cùng với hành trình mở cõi, Đồng Nai đã trở thành nơi “đất lành chim đậu” của hơn 3 triệu người thuộc trên 50 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống.

Người dân tham gia lễ Tả tài phán của người Hoa ở TP.Long Khánh. Ảnh: Minh Sang

Điều này đã tạo nên một Đồng Nai với diện mạo văn hóa đa đạng, phong phú, là điều mà Đồng Nai cần gìn giữ, phát huy.

Năm 1698, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn đi kinh lược xứ Đồng Nai. Đây là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp mở mang bờ cõi nước ta về vùng đất phía Nam.

Tính theo cột mốc này, có thể nói xứ Đồng Nai chính là khởi nguồn của vùng đất phương Nam.

Vùng đất của giao lưu, tiếp biến văn hóa

Ngược dòng lịch sử, xứ Đồng Nai cũng là nơi mà nhóm người Hoa theo chân tướng Trần Thượng Xuyên chạy loạn từ Quốc sang sinh sống. Nhóm người Hoa này đã góp công trong việc khai khẩn vùng đất Biên Hòa, xây dựng cù lao Phố trở thành thương cảng sầm uất bậc nhất thời bấy giờ. Nhưng nhìn về xa xưa hơn nữa, Đồng Nai đã là vùng đất của nhóm cư dân bản địa, chủ yếu gồm các dân tộc: Chơro, Mạ, Cơ Ho và S’tiêng.

Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Đồng Nai vẫn là nơi “đất lành chim đậu”. Hiện nay, mỗi năm mảnh đất này tiếp nhận một lượng lớn cư dân đến sinh sống, làm ăn.

PGS-TS NGUYỄN NGỌC THƠ nói: “Đồng Nai mang trong mình khí chất hào hùng (hào khí Đồng Nai), được nuôi dưỡng và khai thông qua sự cống hiến của bao lớp quan viên, văn nhân, nghệ sĩ, người trí thức và người dân lao động. Vì thế, Đồng Nai sau hơn 3 thế kỷ vẫn giữ được phong thái dung hòa sự đa dạng, hồn cốt văn hiến, tinh thần tiên phong và phong cách hiện đại”.

Đồng Nai hiện có hơn 3,2 triệu dân thuộc trên 50 dân tộc anh em sinh sống. Dù sinh sống cộng cư nhưng mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng dân cư đều giữ gìn được các yếu tố văn hóa gốc. Đó là những nét văn hóa rất đặc trưng, khó trộn lẫn trong muôn màu sắc văn hóa khác.

Đồng Nai có lễ hội Kỳ yên của người Việt; lễ hội chùa Ông của người Hoa ở cù lao Phố; lễ hội Tả tài phán của cộng đồng người Hoa Hải Ninh ở H.Định Quán; lễ mừng lúa mới Sayangva của người Chơro; lễ cúng Yang-bơ-nơm (thần núi) của người Mạ… Đồng Nai còn có cộng đồng người Chăm Islam sinh sống ở vùng Bình Sơn (H.Long Thành), Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) với những nét văn hóa rất riêng mang sắc thái tôn giáo của người Hồi giáo…

Đồng Nai cũng có bóng dáng văn hóa người Kinh Bắc với các “liền anh liền chị”, áo “mớ ba mớ bảy” của các CLB quan họ Bắc Ninh ở H.Trảng Bom; có hát then, đàn tính của người Tày, Nùng ở Định Quán - Tân Phú; có các CLB đờn ca tài tử ở khắp các huyện, thành phố; có Tết Chol-chnam-thmay của người Khmer…

Theo TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, văn hóa của Đồng Nai trước hết mang trong mình nét văn hóa của vùng đất phương Nam - một vùng đất rất trù phú, phóng khoáng với tinh thần hội nhập của các dân tộc.

TS Nguyệt giải thích thêm, vùng đất Nam bộ có 4 dân tộc chủ thể thường được nhắc đến, đó là người Việt, người Hoa, người Chăm và người Khmer. Đây là những tộc người có số lượng cư dân đông đúc. Những cộng đồng cư dân này cũng có công đóng góp và tạo nên những mảng màu văn hóa khá phong phú, đặc sắc của vùng đất Nam bộ. Theo đó, bên cạnh nét đặc trưng của văn hóa gốc, quá trình sinh sống cộng cư, hội nhập của cộng đồng các dân tộc đã tạo nên sự tiếp biến văn hóa. Là vùng đất đầu tiên trong quá trình mở cõi phương Nam, Đồng Nai cũng mang trong mình những mảng màu văn hóa này.

“Người anh cả” của vùng văn hóa Nam bộ

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), văn hóa Đồng Nai khó có thể tách biệt với văn hóa Gia Định, do lịch sử hình thành vùng đất này đã gắn chặt hai thực thể thành một khối: Văn hiến Đồng Nai - Gia Định.

Người dân tham gia lễ hội Sayangva của người Chơro ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: H.Yến

Tính từ cột mốc 325 năm kể từ khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam, Đồng Nai đã chuyển mình rạng rỡ từ một vùng đất hoang vu, dân cư tản mác hồi đầu thế kỷ XVII, trở thành một vùng đất đang trên đà đô thị hóa - công nghiệp hóa mạnh mẽ và là niềm tự hào của không ít người Việt ở Nam bộ.

Ông nhấn mạnh: “Trong ký ức của họ, Đồng Nai là một miền kỷ niệm xa xưa, nơi những bước chân lưu dân người Việt và người Hoa tìm tới, nương tựa nhau để gieo cấy nền văn minh Tam giáo và là miền ký ức đô hội sầm uất với Thương cảng cù lao Phố trên bến dưới thuyền, với tinh thần Gia Định tam gia và Bình Dương thi xã chí khí ngất trời, tinh hoa lan tỏa tứ phương”.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Đồng Nai cho tới nay được người Nam bộ biết đến với danh hiệu miền đất đa dạng tín ngưỡng - tôn giáo với nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian Việt, người Hoa, người Chơro, người Mạ, người Tày, người Nùng, người Thái; đa dạng tư tưởng - tôn giáo: Nho, Phật, Công giáo, Tin lành và cả Islam giáo… Các cộng đồng dân tộc, các cộng đồng tôn giáo sinh sống chan hòa, nương tựa nhau cùng tạo nên một bức tranh văn hóa Đồng Nai đa dạng, dung hòa, hội tụ và lan tỏa. Các thuộc tính này vừa là điều kiện tích cực vừa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế không chỉ của riêng Đồng Nai mà của cả vùng Đông Nam bộ.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, Đồng Nai còn tiên phong trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đương đại, rất xứng danh với vị thế một “anh cả” hay “anh hai” trong đại gia đình văn hóa vùng đất Nam bộ.

Hải Yến