Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính

Tại đây, đại diện một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đã kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao thứ hạng và tính bền vững của các chỉ số quan trọng này. Báo ắc Giang trích đăng một số kiến nghị, đề xuất.

Quang cảnh hội nghị.

Giải pháp chủ chốt nâng cao chỉ số PCI

Từ thực tế kết quả xếp hạng chỉ số PCI 2 năm liên tiếp vừa qua, ông Nguyễn Cường - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh đề xuất tỉnh cần tập trung vào một số nhóm giải pháp chủ chốt sau đây: Nâng cao tính minh bạch thông tin trên toàn hệ thống chính trị; tiếp tục xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI). Tổ chức rút kinh nghiệm nhanh chóng sau mỗi kỳ công bố kết quả PCI và phải chỉ ra được các nguyên nhân yếu kém. Nguyên nhân này nằm ở cơ quan nào, cá nhân nào để tìm ra mấu chốt khắc phục. Đồng thời phải đưa ra được giải pháp cụ thể có gắn trách nhiệm thực thi với từng đối tượng cơ quan cụ thể.

Ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh.

Ông đề xuất tỉnh nhà cần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và DN.

Cùng đó, ông đề xuất đổi mới công tác đối thoại với DN định kỳ hằng tháng theo hướng thân thiện, hiệu quả và thực chất hơn nhằm thể hiện sự quan tâm, gần gũi, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết tốt nhất các tồn tại, vướng mắc của DN. Nâng cao doanh trí là yêu cầu bắt buộc bởi thực tế hầu hết DN tại tỉnh Bắc Giang nằm trong nhóm DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vận hành DN theo kinh nghiệm mà thiếu kiến thức khoa học quản trị.

Trong thời kỳ công nghệ lên ngôi, mọi hoạt động đều được số hóa mạnh mẽ, tính tự động hóa trong quản trị sản xuất kinh doanh được áp dụng. Nếu cộng đồng DN không thay đổi kịp thời thì dễ bị đào thải khỏi thị trường. Để khắc phục được tình trạng này thì chính quyền, các ngành cần hỗ trợ tập huấn cho DN. Ông cũng đề cập đến vai trò của truyền thông số trong cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh Bắc Giang. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý nhũng nhiều, phiền hà cho người dân và DN. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng giảm đầu mối thực hiện, giảm thủ tục giải quyết, giảm thời gian chờ đợi của DN, nhà đầu tư.

Nâng cao thứ hạng về chỉ số “Đào tạo lao động”

Một trong những thành phần quan trọng của chỉ số PCI là chỉ số "Đào tạo lao động". Điểm số của chỉ số này những năm gần đây tăng, giảm không ổn định. Để cải thiện điểm số, nâng cao thứ hạng về chỉ số này, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo các kết luận, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Trong đó tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia sản xuất công nghiệp bảo đảm về số lượng và chất lượng, lao động có kỹ năng nghề, tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu của các DN.

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề thường xuyên phối hợp các DN đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo, chuyển giao chương trình, giáo trình đào tạo giữa các trường đại học với các trường cao đẳng nghề và giữa các DN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phấn đấu đưa Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm uy tín, chất lượng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Thường xuyên tổng hợp và cung cấp thông tin nhu cầu tuyển lao động cho các tỉnh và các trường đại học đã đến xúc tiến lao động để tuyên truyền thu hút lao động ngoài tỉnh và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tại các trường đại học về làm việc tại tỉnh, nhằm hỗ trợ giảm chi phí tuyển dụng lao động cho các DN.

Làm tốt công tác khảo sát, thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin về nhu cầu tuyển lao động, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động làm cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ DN tuyển lao động. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức định kỳ các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm nhằm hỗ trợ các DN trong công tác tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu, vị trí, trình độ mà DN cần tuyển.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trên môi trường mạng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh về dịch vụ việc làm; đẩy mạnh hoạt động kết nối DN có nhu cầu tuyển lao động với các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm uy tín, chất lượng.

Duy trì vị trí dẫn đầu lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đứng vị trí số 1 và là năm thứ tư liên tiếp đứng ở vị trí này về "Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số". Đây là một trong 8 lĩnh vực trong bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC - PAR Index). Để tiếp tục duy trì thứ hạng, ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần giữ vững điểm số các chỉ tiêu đã đạt điểm tối đa, đó là: Duy trì, cập nhật nền tảng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang theo phiên bản mới nhất khi có sự thay đổi từ Chính phủ; bảo đảm 100% các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trong xử lý hồ sơ công việc và gửi nhận văn bản điện tử; phấn đấu 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, 100% văn bản được gửi dưới hình thức điện tử (trừ văn bản mật), 100% văn bản điện tử được ký số; duy trì cập nhật 100% chế độ báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; tiếp tục nâng cấp, cập nhật hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật khi có sự thay đổi; tiếp tục duy trì thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC đạt 100%; cấp kết quả giải quyết TTHC đạt 100%; khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt trên 50%.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

Cùng đó là cải thiện điểm số các chỉ tiêu chưa đạt điểm tối đa, cụ thể như: Tiếp tục duy trì, cập nhật thông tin lên cổng thông tin điện tử của tỉnh và cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng theo hướng ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và có chỉ dẫn rõ ràng để thuận tiện tra cứu. Nâng cao hiệu quả chuyên mục trao đổi, hỏi đáp đối với DN, nhà đầu tư trên cổng thông tin điện tử tỉnh, cổng thông tin điện tử thành phần của các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 93%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt trên 60%. Chủ động rà soát, phối hợp với các cơ quan có các dịch vụ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia (NDXP) thực hiện kết nối, chia sẻ và đưa vào sử dụng chính thức tại tỉnh. Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC của tỉnh, trọng tâm là tuyên truyền kết quả các chỉ số PAR Index, chỉ số SIPAS, chỉ số PAPI của tỉnh.

Phấn đấu tăng điểm chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai”

Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2023 thì chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai” của tỉnh Bắc Giang đạt 6,86 điểm, thấp hơn chỉ số đề ra theo kế hoạch (7,35 điểm). Ông Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích, nêu một số nguyên nhân như: Do các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai cũng như sự thay đổi về khung giá đất của tỉnh chưa phù hợp; việc tiếp cận đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó khăn. Bên cạnh đó, những rủi ro bị thu hồi đất còn cao. Lực lượng cán bộ công chức, viên chức được đào tạo chuyên ngành về quản lý đất đai còn ít, trình độ chuyên môn còn hạn chế trong khi lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường rất phức tạp, nhiều áp lực; hệ thống áp luật chưa đồng bộ… Những yếu tố này đã tác động đến một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, dẫn đến biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm.

Ông Phí Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 19/6/2024, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, trong đó đã xác định chỉ số thành phần “Tiếp cận đất đai” là 7,07 điểm. Để thực hiện kế hoạch, phấn đấu đạt và nâng cao điểm số, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu UBND tỉnh sửa đổi và ban hành bộ TTHC về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Công khai đầy đủ thông tin quy hoạch, tích cực hướng dẫn các DN nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức của sở và UBND cấp huyện, cấp xã về chuyên môn, nghiệp vụ và cách ứng xử trong quá trình tiếp xúc, hỗ trợ cho các tổ chức, DN và cá nhân khi có nhu cầu tiếp cận các thông tin liên quan đến đất đai. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ cố tình chậm giải quyết hồ sơ mà không có lý do chính đáng. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất, công khai, minh bạch giá đất để các nhà đầu tư quan tâm có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu tham gia thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC tại văn phòng đăng ký đất đai bảo đảm thông suốt, chất lượng, hiệu quả, tạo niềm tin, sự hài lòng đối với người dân, DN. Duy trì việc tổ chức đối thoại với các tổ chức, DN để tiếp thu, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của DN trong quá trình thực hiện TTHC liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nhóm PV (lược ghi)