Đồng bộ quy hoạch để khai thác hiệu quả

Khu vực tại xã Phước Thái, H.Long Thành gần cầu vượt sông Thị Vải thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được quy hoạch để xây dựng cảng xăng dầu cung cấp cho cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Q.Nhi

* Thu hồi dự án quá hạn

Theo quy hoạch, hiện nay Đồng Nai sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thêm 29 cảng biển, trong số này có 21 cảng biển hiện chưa được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư.

Đối với 8 cảng biển còn lại, có 5 cảng đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và chủ đầu tư đang triển khai các bước đầu tư tiếp theo; 1 cảng đã được cho thuê đất nhưng do dự án quá lâu chưa được triển khai xây dựng nên cần được rà soát lại thủ tục pháp lý và 2 bến cảng đã ngưng hoạt động.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, khi rà soát, đề xuất quy hoạch hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng cũng phải căn cứ vào nhu cầu của các địa phương, đồng thời tính toán đến nhu cầu của các dự án trọng điểm đang được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc…

Thực tế nhiều năm qua, việc triển khai các dự án đầu tư cảng biển trên địa bàn tỉnh có tiến độ thực hiện khá chậm. Đặc biệt, có dự án dù đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau hơn 17 năm, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xây dựng. Điều này khiến cho việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh bị chậm trễ.

Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp đã có dự án đi vào hoạt động. Điều này mang lại tiềm năng rất lớn đối với hoạt động của các cảng biển bởi nhu cầu chuyên chở nguyên liệu, sản phẩm phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp là rất lớn trong khi vận tải đường thủy có lợi thế về sản lượng cũng như chi phí.

Với thế mạnh về sản xuất công nghiệp, Đồng Nai cũng xác định lĩnh vực dịch vụ, dịch vụ logistics phục vụ cho công nghiệp là ưu tiên phát triển hàng đầu của tỉnh trong thời gian tới. Để thực hiện mục tiêu này, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống cảng biển được xác định là những trục “xương sống” để tạo đột phá cho ngành Logistics. Điều này đòi hỏi hệ thống cảng biển cần được triển khai đầu tư xây dựng nhanh trong thời gian tới.

Chính vì vậy, để chấm dứt tình trạng nhà đầu tư chây ì, chậm triển khai dự án làm ảnh hưởng đến tiến độ chung, thời gian tới Đồng Nai sẽ xử lý “mạnh tay” đối với các dự án cảng biển quá hạn nhưng chưa triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã giao Sở KH-ĐT thực hiện rà soát đối với các dự án xây dựng cảng biển trên địa bàn tỉnh. Đối với những dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã giao đất nhưng quá thời hạn mà chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện thì tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án.

* Cần hệ thống giao thông kết nối

Cảng biển có lợi thế về công suất cũng như chi phí vận chuyển, tuy nhiên để có thể khai thác hết tiềm năng thì cũng đòi hỏi hệ thống giao thông kết nối, nhất là hệ thống đường bộ, đường sắt được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ.

“Bài học” từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là minh chứng rõ ràng cho việc để khai thác hết tiềm năng cảng biển cần có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Sau nhiều năm được đầu tư xây dựng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện vẫn chỉ mới khai thác được khoảng 40% công suất do hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để lưu thông hàng hóa còn hạn chế.

Thiếu kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ cũng đang là thực trạng chung của phần lớn các cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Ông Đặng Văn Điềm, thành viên Chi hội Vận tải hàng hóa và logistics, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho rằng, ngoài hệ thống cảng biển cần có các cảng cạn, trung tâm logistics lớn kết nối với hệ thống đường sắt. Làm được điều này sẽ giúp thay đổi bộ mặt dịch vụ logistics trên địa bàn. Bởi, đường thủy và đường sắt có ưu thế không ùn tắc và chi phí thấp hơn so với các loại hình vận tải khác.

Xuất phát từ thực tế này, cũng tại buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương về thực hiện quy hoạch cảng biển trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã yêu cầu Sở GT-VT thực hiện rà soát lại công tác quy hoạch. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ vớ 2 địa phương Long Thành và Nhơn Trạch rà soát lại quy hoạch các cảng biển trên địa bàn để đề xuất điều chỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc quy hoạch cảng biển phải căn cứ vào quy hoạch giao thông kết nối. “Phải tránh tình trạng quy hoạch cảng biển nhưng không có hạ tầng giao thông kết nối nên khi xây dựng xong thì hoạt động không hiệu quả” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.

Quỳnh Nhi