Đề thi Olympic Ngữ văn 11: Văn chương và bản sắc dân tộc

Câu nghị luận văn học của Đề thi Olympic Ngữ văn yêu cầu thí sinh bàn về vấn đề văn chương và bản sắc dân tộc từ ý kiến của Alexandre Jardin. Đồ họa: TTH

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức Kì thi Olympic truyền thống 30 tháng 4 lần thứ 28 năm 2024, trong đó có môn Ngữ văn 11.

Câu nghị luận văn học (12 điểm) có nội dung như sau:

"Xem các tiệm sách đơn thuần là nơi bán sách thì quả là không hiểu gì cả. Chúng cất tiếng cho bản sắc của Paris và mối liên hệ sâu sắc của thành phố với văn học. Paris là thành phố ra đời từ giấc mơ của các nhà văn" - (Alexandre Jardin). Từ ý kiến trên, kết hợp với sự hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy viết bài văn bàn về vấn đề: Văn chương và bản sắc dân tộc.

Văn chương và bản sắc dân tộc

Giải thích: Văn chương là hình thái ý thức xã hội, mang tính thẩm mỹ về đối tượng, nội dung và phương thức thể hiện.

"Cất tiếng cho bản sắc của Paris" là bày tỏ, thể hiện đặc trưng, vẻ đẹp độc đáo của thành phố Paris.

"Paris là thành phố ra đời từ giấc mơ của các nhà văn" là thể hiện tình yêu, ý thức, mối quan hệ sâu sắc của các nhà văn đối với quê hương,đất nước trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật.

"Bản sắc dân tộc" là những dấu ấn riêng, độc đáo về văn hóa. Trong văn chương, điều đó lắng đọng thành tính dân tộc đậm đà.

Ý kiến của Alexandre Jardin bàn đến mối tương quan giữa sáng tạo văn chương và vấn đề lưu giữ, thể hiện bản sắc dân tộc.

Bàn luận: Bản sắc dân tộc, tính dân tộc là những vấn đề dân tộc được ý thức trong văn học. Mỗi tác phẩm nghệ thuật chân chính đều mang trong hơi thở thiên nhiên, tâm hồn con người, nhịp sống… của một vùng đất. Nó tạo nên tính chân thực, sự hấp dẫn trong phản ánh.

Nhà văn là người sinh ra, lớn lên trong lòng dân tộc mình. Hành trình trải nghiệm, hành trình viết không thể tách rời cội rễ, với mạch nguồn bao đời đã trở thành trầm tích văn hóa của dân tộc. Sứ mạnh của nhà văn thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình cất tiếng cho những giá trị cuộc sống.

Bản chất con người khao khát khám phá,mở rộng hiểu biết nên việc tiếp cận các bản sắc dân tộc khác nhau, lạ biệt là một nhu cầu tất yếu.

Bản sắc dân tộc, tính dân tộc liên tục được di dưỡng, bồi đắp, kiến tạo dựa trên những giá trị cốt lõi, bền vững. Nhà văn vừa thể hiện những vẻ đẹp căn cốt, vừa tiếp nhận, sáng tạo, làm đầy thêm văn hóa dân tộc mình.

Bản sắc thể hiện ở hai phương diện chủ yếu trong tác phẩm: hình thức (ngôn ngữ - tiếng nói dân tộc, thể loại, phương thức nghệ thuật đặc thù…) và nội dung (tâm lí, tâm hồn, tính cách dân tộc; không gian địa lí, dấu ấn lịch sử, truyền thống, tư tưởng, thẩm mĩ,…). Học sinh cần chọn và phân tích dẫn chứng phù hợp và thuyết phục.

Liên hệ, mở rộng: Mỗi dân tộc là một bộ phận của nhân loại, tính dân tộc là biểu hiện đặc thù của tính nhân loại, sự phong phú và giao nối văn hóa,lắng tụ tinh hóa.

Một tác phẩm nghệ thuật độc đáo phải lắng đọng bên trong tâm hồn, đặc tính của một vùng đất, một xứ sở. Tuy nhiên, tác phẩm có sự sống lâu dài, thực sự gây dấu ấn khi nó thấm đượm tính nhân loại – những thuộc tính bản chất, những giá trị chân - thiện – mĩ, thể hiện trong việc cảm nhận, cải tạo thế giới và chính mình, tình yêu cuộc sống, khát vọng tự do.

Bài học sáng tạo và tiếp nhận văn học đối với nhà văn (trải nghiệm, lao động chữ nghĩa,…) và bạn đọc (sự khám phá, đón nhận, phong văn hóa,…).

Ly Hương