Đan Phượng tạo sức bật cho công nghiệp văn hóa

Rước kiệu tại Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối Xuân Giáp Thìn 2024 (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng). Ảnh: Thiên Tú

Gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo

Những ngày này, cán bộ và Nhân dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đang rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội, diễn ra vào Rằm tháng Ba âm lịch hàng năm.

Càng phấn khởi hơn khi đúng dịp này, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL.

Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức hàng năm gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ X. Đây là một lễ hội độc đáo có một không hai của Thủ đô, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước.

Cứ vào dịp lễ hội hàng năm, làng Bá Dương Nội lại đón hàng nghìn người dân, du khách từ khắp nơi đổ về trẩy hội, thưởng thức những màn thi diều đặc sắc của các nghệ nhân tài hoa.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, việc Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui đối với chính quyền, Nhân dân địa phương. Xã sẽ tiếp tục duy trì, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân; vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội…

Cùng với hội diều Bá Dương Nội, đầu năm nay, Lễ hội Chèo tàu Tổng Gối Xuân Giáp Thìn 2024 (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng) cũng được tổ chức sau 8 năm.

Hội hát Chèo tàu là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân Tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng Chèo tàu.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội hát Chèo tàu Tổng Gối từng bị gián đoạn hàng chục năm. Nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình diễn xướng dân gian độc đáo có một không hai này, các nghệ nhân ở xã Tân Hội đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, truyền dạy cho thế hệ trẻ...

Chủ tịch UBND xã Tân Hội Đỗ Văn Mười cho biết, việc khôi phục Hội hát Chèo tàu Tổng Gối nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Chèo tàu của địa phương; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của Nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, câu lạc bộ Chèo tàu được phát triển rộng rãi trong Nhân dân và đào tạo nhiều lớp học hát nhằm đưa nghệ thuật hát Chèo tàu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được trong những ngày lễ hội, đình đám.

Để văn hóa trở thành nguồn lực phát triển

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 155 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác ở xã Hạ Mỗ; di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê ở xã Đan Phượng; miếu Diều (xã Hồng Hà)…

Đền Văn Hiến, tên chữ là Văn Hiến Đường thuộc xã Hạ Mỗ, xưa kia là văn chỉ thờ Khổng Tử và là nơi biểu dương các danh nhân khoa bảng trong làng. Sau khi Thái úy Tô Hiến Thành, người con ưu tú của quê hương qua đời, Nhân dân xây mộ và thờ ông tại đây.

Tháng 11/1991, đền Văn Hiến được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đây được coi là “địa chỉ đỏ” tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, hiếu học của huyện Đan Phượng, hàng năm thu hút hàng vạn du khách, học sinh tới dâng hương, tham quan.

Còn miếu Diều (miếu Châu Trần), xã Hồng Hà vừa được UBND TP xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật cấp TP vào tháng 11/2023. Ngôi miếu là công trình tín ngưỡng thờ thần linh Châu Thổ, gắn với nền văn minh lúa nước với các hạng mục kiến trúc và hiện vật tỉ mỉ, công phu, phần lớn được tạo tác vào thời Nguyễn.

Ngoài hệ thống di tích văn hóa lịch sử độc đáo, huyện Đan Phượng còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm giàu cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội như ca trù Thượng Mỗ, hát chèo tàu Tân Hội… Trong đó, tại xã Thượng Mỗ hiện nay vẫn còn di tích đền Đầm Giếng – nơi thờ Đệ nhị cung phi Nguyễn Thị Hồng (thời vua Lê Chính Hòa, cuối thế kỷ XVII), người được mệnh danh là bà chúa của nghệ thuật ca trù xứ Đoài.

Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian vào năm 2004. Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Câu lạc bộ lại tổ chức các buổi đào tạo ca trù cho những em nhỏ địa phương.

Không chỉ vậy, Đan Phượng còn dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội với 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến xoay quanh trục giá trị văn hóa, giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài. Nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa, Huyện ủy Đan Phượng đã có Nghị quyết số 45-NQ/HU ngày 17/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện Đan Phượng, giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn 2045.

Đến nay, huyện đã có hai điểm được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp TP. Đó là điểm du lịch xã Hạ Mỗ và điểm du lịch Khu sinh thái Đan Phượng. Năm 2023, hai điểm du lịch này đón hơn 45.900 lượt khách đến tham quan, tăng 208% so với năm 2022.

Ngoài ra, huyện còn phát triển loại hình du lịch tham quan trải nghiệm các mô hình nông nghiệp như mô hình trồng rau sạch, nho hạ đen, hoa lan hồ điệp, hoa đồng tiền, phật thủ… Những sản phẩm du lịch này góp phần thu hút du khách đến với Đan Phượng, đồng thời tìm ra hướng đi mới cho kinh tế nông nghiệp công nghệ cao của huyện, giúp gắn kết công cuộc xây dựng nông thôn mới với phát triển công nghiệp văn hóa.

Nói đến các mô hình văn hóa tiêu biểu của Đan Phượng, không thể không kể tới cuộc thi “Giữ gìn thôn, cụm dân cư, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh”. Được phát động từ tháng 10/2019 đến nay, cuộc thi đã được lan tỏa rộng khắp các thôn, tổ dân phố với mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, lấy người dân làm chủ thể và đối tượng thụ hưởng.

“Đan Phượng xác định phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Cảnh quan sạch đẹp là yếu tố để thu hút người dân, du khách đến với Đan Phượng” – Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải chia sẻ.

Đan Phượng là địa phương nằm trong không gian văn hóa xứ Đoài, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Do đó thời gian tới, Ủy ban MTTQ huyện cần tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng nếp sống mới, bảo vệ cảnh quan môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để văn hóa thực sự là nguồn lực và động lực thúc đẩy phát triển huyện theo định hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến- Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương

Thiên Tú