Cuộc chạy nước rút kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển nhanh chóng của AI mang lại nhiều cơ hội, nhưng song hành với đó là không ít thách thức rủi ro

Thách thức, rủi ro ngày càng lớn từ AI

Mặc dù, AI mới được phát minh chưa lâu và ở mức còn “sơ khai” so với nhiều công nghệ khác, song đã được ứng dụng sâu rộng trong rất nhiều ngành nghề như kinh doanh, y học, vận tải, sản xuất, dịch vụ, giáo dục... AI giúp chúng ta có thể tạo ra các văn bản từ những dữ liệu máy tính tự tổng hợp được, chuyển đổi lời nói của con người sang dạng mà các ứng dụng máy tính có thể hiểu được, cung cấp các thuật toán, API, bộ công cụ phát triển và huấn luyện, dữ liệu cũng như các công nghệ điện toán để thiết kế, huấn luyện và triển khai các mô hình máy học vào trong các ứng dụng, tiến trình và máy móc...

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo trong các sản phẩm công nghệ giúp cuộc sống trở nên thoải mái và tiện lợi hơn. Năm 2023, chúng ta đã thấy được khả năng của ChatGPT và các công nghệ AI thế hệ mới để thay đổi cách học hỏi, làm việc và tương tác. Đây chỉ là những bước đi đầu của một công nghệ mà trong viễn cảnh tốt nhất sẽ đem đến cho con người những giới hạn mới về kiến thức và năng suất làm việc, làm thay đổi thị trường lao động, tái tạo các nền kinh tế, dẫn đến mức tăng trưởng xã hội và kinh tế chưa từng có. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, ứng dụng giúp ích, AI cũng đã cho thấy những thách thức, thậm chí là mặt trái, tiêu cực. Tự động hóa do AI điều khiển có khả năng dẫn đến mất việc làm ở nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là với những lao động tay nghề thấp. Những người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thiết kế đồ họa, những người chuyên sáng tạo nội dung như các nhà biên kịch, các biên tập viên báo chí… cũng cảm thấy bị đe dọa.

Không chỉ kéo giãn khoảng cách thu nhập, trí tuệ nhân tạo còn có thể khuếch đại những bất bình đẳng xã hội hiện có bằng cách nhúng các thành kiến vào các thuật toán và dữ liệu. Xa hơn, sự phát triển của hệ thống trí tuệ nhân tạo siêu thông minh vượt trội hơn trí tuệ con người đặt ra mối lo ngại lâu dài cho nhận loại. Việc tạo ra một thực thể trí tuệ nhân tạo có khả năng suy nghĩ vượt trội có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước. Một trong những điều đáng lo nhất là các tổ chức tội phạm công nghệ cao lại đang sử dụng AI vào những mục đích phi pháp. Các sản phẩm công nghệ này giống như “con dao hai lưỡi” khi khơi mào một cuộc chiến cam go mới giữa các đối tượng tội phạm công nghệ cao và lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Tăng tốc kiểm soát AI

Trước sự phát triển vô cùng nhanh chóng của AI với cả những mặt tích cực và tiêu cực song hành, các chính phủ trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc… đang gia tăng các nỗ lực tạo hành lang pháp lý để kiểm soát cuộc đua AI diễn ra giữa các công ty công nghệ mà không ngăn cản, ảnh hưởng tới sự phát triển của công nghệ mới này. Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc… hay EU đã bắt đầu phát triển cách kiểm soát công nghệ AI rất khác nhau.

Cách tiếp cận trong việc kiểm soát AI sẽ có ảnh hưởng lớn tới tương lai của công nghệ và xã hội, do các quyết định đang được đưa ra ở thời điểm mà công nghệ AI còn mới, chưa đi theo một hướng phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, không quốc gia nào, nhất là các quốc gia phát triển hay cạnh tranh nhau trên toàn cầu, muốn mình bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển AI. Mỹ có cách tiếp cận khác trong quản lý AI. Thượng viện Mỹ đã giới thiệu 2 dự luật AI của lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa riêng biệt. Dự luật thứ nhất tập trung vào quyền của người dân liên quan trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, dự luật thứ hai tập trung vào việc đảm bảo khả năng cạnh tranh, dẫn đầu của Mỹ trong phát triển trí tuệ nhân tạo. Mỹ cũng đang yêu cầu các cơ quan chính phủ soạn thảo hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn. Năm 2022, Mỹ đã công bố đề xuất dự luật về quyền trí tuệ nhân tạo, kêu gọi các nhà phát triển tôn trọng nguyên tắc quyền riêng tư, an toàn, quyền bình đẳng. Nhìn chung, Mỹ có cách tiếp cận ít quy định với việc kiểm soát AI nhằm để công nghệ mới này “có đất” phát triển thuận lợi nhất. Cách tiếp cận ít quy định của Mỹ đối với việc kiểm soát AI dẫn đến những tiến bộ vượt bậc của nước này hiện nay trong công nghệ AI.

EU đang nỗ lực đi đầu trong việc đưa ra các quy định với AI với ưu tiên tập trung vào quyền của người dùng. EU đã thông qua một dự thảo luật toàn diện được gọi là Đạo luật AI. Các hệ thống AI khai thác lỗ hổng của cá nhân hoặc thao túng hành vi của con người sẽ bị cấm. Việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực ở những nơi công cộng cũng là vi phạm pháp luật. Ủy ban Châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) đã đề xuất khung pháp lý quản trị AI nhằm đặt ra các yêu cầu và nghĩa vụ rõ ràng cho các nhà phát triển, nhà triển khai và người dùng AI. Đây là khung pháp lý đầu tiên nhằm kiểm soát công nghệ AI. EU cũng đề xuất một cách tiếp cận dựa trên rủi ro, phân biệt giữa các ứng dụng AI theo 4 cấp độ - không thể chấp nhận được, rủi ro cao, cần phải hạn chế và không có rủi ro nào; trong đó các ứng dụng AI được coi là mối đe dọa rõ ràng đối với sự an toàn, sinh kế và quyền của con người sẽ bị cấm.

Trung Quốc chủ trương kiểm soát chặt chẽ trước các thách thức từ AI. Nước này vào trung tuần tháng 8 vừa qua đã ban hành một loạt biện pháp tạm thời để quản lý trí tuệ nhân tạo tạo sinh, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải gửi đánh giá bảo mật và nhận được giấy phép trước khi phát hành các sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên thị trường. Nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra phải được gắn nhãn và thực hiện các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới tính, tuổi tác và chủng tộc khi thiết kế thuật toán. Các chương trình AI tạo sinh phải được đào tạo trên các nguồn dữ liệu thu thập hợp pháp, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác… Giới chuyên gia cho rằng, các nước còn tăng tốc kiểm soát AI hơn nữa khi công nghệ này được cho sẽ còn “phát triển vũ bão” trong tương lai.