Công bố chương trình Vinh danh 'Vì sự phát triển dược liệu Việt'

Lễ công bố Chương trình vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt".

Chương trình vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân; đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống Trần Tuấn Linh, chương trình được tổ chức như một sự động viên, khuyến khích và cổ vũ các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp chung tay vì sự phát triển dược liệu Việt, nhằm phát huy giá trị của dược liệu trong chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mặt khác đẩy mạnh chuỗi vùng trồng-sản xuất, phát triển các loại thuốc chữa bệnh từ dược liệu và các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ các bài thuốc quý, tạo thêm nhiều giá trị cho cây thuốc Việt; đồng thời góp phần xây dựng thói quen “người Việt dùng thuốc Việt” từ các sản phẩm dược liệu thế mạnh của Việt Nam.

Lễ vinh danh “Vì sự phát triển dược liệu Việt" gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 sẽ được tổ chức chính thức vào đầu tháng 12/2023 là cơ hội để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người nông dân và doanh nghiệp tại các vùng trồng dược liệu nhìn lại hành trình bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người Việt.

PGS, TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Quản lý y, dược cổ truyền cho biết, nền y học cổ truyền Việt Nam ban đầu đặc trưng bởi những cây cỏ xung quanh, những loại thảo dược sẵn có trong tự nhiên. Từ đó đúc kết thành kinh nghiệm tạo nên những bài thuốc hay, phương thuốc quý, rất gần, rất sát với điều kiện khí hậu, địa lý cũng như các loại bệnh tật xuất hiện theo từng vùng, từng mùa.

Nó được thể hiện cụ thể trong một số tác phẩm như: Thiền sư Tuệ Tĩnh với bộ “Nam Dược Thần Hiệu” viết về 499 vị thuốc Nam, trong đó có 241 vị thuốc có nguồn gốc từ thực vật; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với bộ “Lĩnh Nam Bản Thảo” gồm hai quyển, quyển thượng chép 496 kế thừa của Tuệ Tĩnh, quyển hạ ghi 305 vị bổ sung về công dụng hoặc mới phát hiện thêm...

Ngày nay, song song với sự phát triển của y học hiện đại, các thầy thuốc y dược học cổ truyền Việt Nam đã từng bước kế thừa, phát huy, phát triển và xây dựng nền y dược học cổ truyền vững mạnh về mọi mặt, góp phần không nhỏ trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế.

Qua nhiều thế hệ, các thầy thuốc y dược học cổ truyền Việt Nam đã xây dựng nền y dược học cổ truyền vững mạnh, góp phần không nhỏ cùng y học hiện đại, phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ban tổ chức chương trình tặng hoa các thành viên Hội đồng xét duyệt hồ sơ.

Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Nước ta có nhiều loại cây có thể dùng làm thuốc, các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Quyết định 1976/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam có tám vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.

Trong bức tranh tổng thể về tinh hoa dược liệu Việt, bên cạnh sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tại các vùng trồng dược liệu tại Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.