Chiến thuật ngoại giao mới của nước Nga

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một dịp gần đây đã đưa ra các bình luận gây chú ý về những định kiến về nước Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Khi được hỏi làm thế nào để có thể thay đổi thái độ đối với "các yếu tố văn hóa truyền thống của Nga", vốn bị thế giới và chính người Nga nhìn nhận với sự chế nhạo, Ngoại trưởng Nga đã có phát biểu đặc biệt.

Ông nói: "Đội ơn Chúa vì chúng tôi có những biểu tượng như vậy. Họ chỉ coi chúng tôi là một đất nước của đàn balalaika, rượu vodka. Trước hết, đây là thể hiện của niềm vui, thái độ tốt đối với cuộc sống. Còn, gấu là một biểu hiện cho thấy thái độ trân trọng của chúng ta đối với thiên nhiên".

Thực tế là khi nhắc đến Nga, người ta hay nhắc đến các yếu tố văn hóa truyền thống của Nga: vodka, gấu... nhưng dưới giọng điệu chế nhạo. Điều này không chỉ xảy ra với người phương Tây, người nước ngoài mà ở cả nhiều người Nga.

Trân trọng những nét văn hóa Nga như vậy, Ngoại trưởng Lavrov nói ông cảm nhận được sự tích cực.

"Đối với tôi, để những điều này gợi lên cảm xúc tích cực, những nụ cười, còn tốt hơn nhiều so với những liên tưởng mà nhiều người lấy biểu tượng của nước Mỹ, như những người da đỏ - số phận của họ thậm chí còn tồi tệ hơn số phận của những con gấu Nga của chúng ta.

Họ sống trong những vùng lãnh địa hạn chế, còn gấu ở chỗ chúng ta dạo chơi khắp đất nước" - Bộ trưởng Ngoại giao Nga phát biểu.

Cách so sánh giễu nhại và lấy hình ảnh ví von của ông Lavrov quả thật gây ấn tượng. Hình ảnh chú gấu được gắn liền với nước Nga dù đây không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới có gấu sinh sống. Thậm chí, Trung Quốc còn lựa chọn gấu trúc là một trong những biểu tượng văn hóa quốc gia.

Một trường hợp đặc biệt có thể kể đến là tại Thế Vận hội Tokyo 2020 vừa qua, đội Olympic Nga đã bị từ chối trang phục bơi đã đăng ký với ban tổ chức chỉ vì trang phục này có hình một chú gấu.

Do Nga đang phải chịu án phạt liên quan đến bê bối doping mà nước này hoàn toàn phủ nhận, đoàn VĐV tham gia Olympic năm nay được tham gia ở vai trò trung lập, tức là không có bất cứ điều gì được liên quan đến Nga. Quốc kỳ, quốc ca của Nga không được sử dụng, thậm chí đến trang phục có hình gấu cũng bị bác bỏ.

Trang phục người nhện của 2 VĐV của Nga sau khi bị bác trang phục hình chú gấu. Hai VĐV Svetlana Kolesnichenko và Svetlana Romashina đã giành được HCV nội dung bơi nghệ thuật đôi nữ.

Thay vì quốc kỳ, Nga đã sử dụng đồng phục thể thao có hình ngọn lửa cách điệu và vẫn mang 3 màu xanh, đỏ và trắng. Một VĐV nói họ có thể không có quốc kỳ nhưng không quên mình đang đại diện cho quốc gia nào và sử dụng đồng phục để biến mỗi người thành một lá cờ.

Không được phát quốc ca mỗi khi giành được huy chương vàng mà đoàn Nga và cả thế giới sẽ được nghe một đoạn trong bản concerto số 1 cho piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc lừng danh người Nga Pyotr Tchaikovsky.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng thể hiện quan điểm tích cực về điều này. Ông coi đây là một cơ hội tốt để toàn thể thế giới biết đến nhiều hơn về nước Nga và những tuyệt tác nghệ thuật của Nga được lan tỏa qua cuộc thi đấu quốc tế.

Vượt lên khó khăn để chiến đấu và tận dụng nó để biến thành cơ hội là cách người Nga hóa giải muôn kiểu ứng xử với phương Tây. Từ đây, có bao nhiêu người Nga giành huy chương, sẽ càng có bấy nhiêu cơ hội để lan tỏa nghệ thuật của Nga trong giới thể thao.

Khi sự hài hước trở thành chiến lược

Không thể phủ nhận, nước Nga đã trở thành "ngáo ộp" trong mắt các quốc gia phương Tây: khi là kẻ can thiệp bầu cử quốc gia, khi là người che chở cho những tay hacker, là người đứng sau những vụ tiêu diệt gián điệp, những tay sử dụng doping có truyền thống...

Đáp trả những cáo buộc tiêu cực nhằm vào mình, giới chức Moscow đã nhiều lần sử dụng công cụ ngoại giao, từ bác bỏ, phản đối và chỉ trích ngược lại nhưng các cáo buộc vẫn không dừng lại.

Khoảng khắc vui vẻ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Trong một bài bình luận mới đây, The Guardian cho rằng, thời đại này các quốc gia đang sử dụng “sự hài hước có chiến lược" (strategic humour) như một công cụ ngoại giao công chúng, từ đó lan tỏa các câu chuyện nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, làm chệch hướng những chỉ trích, đồng thời định hướng quan điểm dư luận về các sự kiện gây tranh cãi.

Moscow đã đáp trả một cách đầy hài hước khi chính phủ và truyền thông phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Kênh truyền hình đối ngoại RT của Nga đã chạy quảng cáo rằng: "Bạn đã bỏ lỡ chuyến tàu? Mất phiếu bầu? Hãy đổ lỗi cho chúng tôi!”, “Hãy xem RT và tìm ra kẻ mà chúng tôi định tấn công tiếp theo”.

Còn trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, RT đã đùa về việc "tặng" cho ông Donald Trump một “công việc”.

Các đại sứ quán của Nga ở nước ngoài cũng thường đăng tải thông điệp hài hước có tính lan truyền nhằm chống lại những lời chỉ trích. Hành động này của Nga thách thức tuyên bố của các đối thủ và biến những lời cáo buộc tuyên truyền thành những lời "nói đùa".

Sự hài hước vốn đã được vận dụng trong chính trị và tuyên truyền. Tuy nhiên, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội và sự thay đổi của ngoại giao công chúng, những thông điệp châm biếm, ngắn gọn, đáng tin, dễ nhớ, dễ chia sẻ ngày càng trở thành cách phổ biến để truyền tải chính sách đối ngoại tới người dân, đồng thời khơi dậy những cuộc tranh luận quan điểm.

Rõ ràng, sự hài hước có chiến lược có thể được dùng để tuyên bố lập trường chống lại các phương tiện truyền thông. Sự hài hước có chiến lược đã làm thúc đẩy ngoại giao công chúng thời kỳ "hậu sự thật" thông qua thông điệp cảm xúc và coi đó là một cơ chế khẳng định sự thật.

Tuy nhiên, hài hước có chiến lược không nhất thiết phải giả dối, mà là chế nhạo đối thủ để “khơi mào" sự nghi ngờ của độc giả, vạch trần động cơ tiềm ẩn của đối thủ, duy trì sự thiếu chắc chắn xung quanh các sự kiện gây tranh cãi.

Sự hài hước đó cho phép các quốc gia đi ngược lại với các cách diễn giải chính thống, và “sự thật” là do quốc gia tự khẳng định thay vì qua bằng chứng thực tế.

Và người Nga, dường như đang làm rất tốt điều này.

Đông Phong