Văn hóa 'học hỏi - quên đi - học lại' tạo sức mạnh cho FPT

Ông Nguyễn Thành Nam.

Đek biết gì cũng tiến là cuốn sách về lịch sử FSoft (hay Software - thành viên của Tập đoàn FPT), hướng đến thế hệ cán bộ lãnh đạo kế tiếp của FSoft, những “khởi nghiệp gia” tham vọng muốn biến công ty của mình thành một đế chế, và bất cứ ai quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp.

Nhân dịp ra mắt sách, cựu Tổng Giám đốc FPT và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT ễn Thành Nam, đồng tác giả cuốn sách đã chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp, học hỏi không ngừng gắn liền với văn hóa doanh nghiệp được truyền tải qua hơn 400 trang sách.

Văn hóa doanh nghiệp hình thành từ hoạt động thực làm

- Công ty ông từng phát hành cuốn sách về văn hóa doanh nghiệp là "FPT bí lục". Điều gì khiến ông tiếp tục thực hiện "Đek biết gì cũng tiến"?

- Khi tham gia thành lập công ty FPT vào năm 1988, bản thân tôi cũng chưa hình dung rõ ràng mình sẽ làm gì. Chúng tôi học Toán, với ý định làm nghiên cứu, giờ chuyển sang kinh doanh, máy tính-phần mềm nên cái gì cũng là mới mẻ. Do đó tôi bắt đầu ghi chép.

Đến năm 1996 thì hệ thống lại thành tập ghi chép đầu tiên đặt tên "Mềm mãi mà không cứng". Trở thành tư liệu quan trọng để có thể truyền tải văn hóa doanh nghiệp đến nhân viên.

Sách Đek biết gì cũng tiến. Ảnh: Anbooks.

Đến năm 2018 tôi và Phan Phương Đạt muốn xây dựng một môn học ở về văn hóa doanh nghiệp. Đạt cũng là tiến sĩ Toán học như tôi, gia nhập công ty muộn hơn, khi chúng tôi bắt đầu chiến dịch xuất khẩu phần mềm.

Khác với tôi lo về kinh doanh, Đạt phụ trách phần thiết kế tổ chức, đào tạo và nhân sự. Anh đã tìm được cơ sở lý luận của Edgar Shein, để chúng tôi cùng nhau soạn cuốn FPT bí lục, có thể được xem như sách giáo khoa về văn hóa công ty. Cuốn sách có phần 1 khá hàn lâm và lý thuyết. Mặc dù theo tôi đó là phần bổ ích nhất, nhưng có lẽ độc giả Việt Nam vốn ưa nghe kể chuyện, không hào hứng lắm.

Bởi thế, chúng tôi quyết định sẽ viết một cuốn khác, mà phần lý luận về văn hóa sẽ được ẩn vào trong cách sắp xếp và kể lại những câu chuyện. Còn các sự kiện sẽ được kể lại chi tiết và hài hước - vẽ lại toàn bộ hành trình toàn cầu hóa của FPT Software. Đek biết gì cũng tiến ra đời như vậy.

Khoảng 7-10 năm trở lại đây chủ đề này nở rộ nhưng thực chất văn hóa luôn bắt đầu hình thành từ những ngày đầu xây dựng doanh nghiệp. Theo Schein, đã gọi là văn hóa thì không có tốt hay xấu, chỉ có phù hợp hay không phù hợp.

Văn hóa là cái bao trùm mọi khía cạnh hoạt động của công ty chứ không riêng một bộ phận hay một giai đoạn phát triển nào. Văn hóa hình thành từ hoạt động chứ không phải từ đọc lý thuyết hay nghe tư vấn.

Nếu để ý độc giả sẽ thấy mục lục của Đek biết gì cũng tiến chính là trình bày cách văn hóa được hình thành trong quá trình phát triển của FPT Software qua các giai đoạn khác nhau.

- Cuốn sách do nhóm tác giả 5 người cùng thực hiện. Ông có thể cho biết do đâu lại có 5 đồng tác giả như vậy?

- Nhóm tác giả của cuốn sách đại diện cho các thế hệ của FPT. Tôi là lớp đầu tiên từ những ngày xây dựng doanh nghiệp, anh Phan Phương Đạt là thế hệ thứ hai, gia nhập từ năm 1999. Anh Dương Thành Nhân là lập trình viên thế hệ sau, thuộc lớp nhân viên trung thành, mẫn cán cũng chính là sức mạnh của doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thanh Nga ở bộ phận nhân sự - cũng là người làm công tác truyền thông nội bộ, đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành sức mạnh tinh thần cho công ty. Và cuối cùng là Bùi Anh Tuấn, "họa sĩ của nhân dân", là người kể lại lịch sử công ty qua những bước biếm họa là người trình bày bìa.

Chúng tôi cũng từng đăng tải thành từng phần trên Facebook để xin ý kiến và kiểm chứng thông tin với những người liên quan, vốn vẫn đang tích cực hoạt động. Có thể nói cuốn sách là thành quả của công việc biên tập tập thể.

Learn - unlearn - relearn trong khởi nghiệp

- Cuốn sách có cái tên đặc biệt, không đi theo lối đặt tên sách thông thường. Điều gì khiến nhóm tác giả lựa chọn tên đó cho sách?

- Xưa nay chúng tôi có một "đặc sản" là nhạc chế. Việc gì cũng có bài hát chế kỷ niệm. Xuất khẩu phần mềm cũng không phải là ngoại lệ, trong đó có câu: "Tiến lên vinh quang, chúng đang chờ phía trước / Tiến lên toàn cầu, đek biết gì cũng tiến".

Tinh thần cốt lõi là phải chấp nhận quên cái đã biết, tiến vào cái không biết. Ngày nay có thuật ngữ "unlearn" - quên cái tưởng đã biết để bước vào một lĩnh vực thật sự hoàn toàn mới. Đó mới chính là tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt trong giới công nghệ.

Thuở đầu của doanh nghiệp chúng tôi khá hỗn mang, chúng tôi làm đủ thứ nhưng chưa thành công như mong muốn. Khi quyết tâm làm phần mềm, phải đến 10 năm chúng tôi mới hiểu được rằng phải có đầu ra, có thị trường cho sản phẩm dịch vụ, chứ không thể bán cái mà người tiêu dùng ở thị trường đó không có nhu cầu, không muốn mua.

Thị trường Việt Nam lúc ấy không đủ lớn. Nên mới dẫn đến chuyện phải dấn thân ra thị trường bên ngoài thế giới. Và tất nhiên là thất bại. Đã khởi nghiệp thì không ai là không mắc sai lầm. Vượt qua được khó khăn, đứng dậy sau thất bại thì văn hóa doanh nghiệp mới hình thành.

Quan trọng là mình có yếu kém cỡ nào đi nữa, thì vẫn phải tìm ra được một thế mạnh, để dựa vào đó mà phát huy, mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Với chúng tôi, đó là sức trẻ sẵn sàng learn - unlearn - relearn (học hỏi - quên đi - học lại).

- Mở đầu chương cuối của cuốn sách "TGB" viết về Trương Gia Bình, ông đã dẫn lời của ông ấy rằng "sức mạnh của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta là người Việt Nam". Điều này được thể hiện ra sao trong xuyên suốt cuốn sách?

- Để cạnh tranh toàn cầu, phải phát huy thế mạnh và kiềm chế điểm yếu. Tập trung khắc phục điểm yếu không phải là chiến lược khôn ngoan.

Điều tôi vừa mới nhắc đến trên đây là thế mạnh chung của thanh niên Việt Nam: chúng ta còn trẻ, di sản kinh tế trong quá khứ cũng chưa nhiều nên ham học cái mới và học rất nhanh. Do đó duy trì lợi thế này là việc phù hợp mà không cần quá tốn kém nguồn lực.

Sang giai đoạn hai của quá trình xây dựng doanh nghiệp, cần liên tục phát triển và hệ thống hóa để đi xa hơn: từ khóa ở đây là "quy trình". Chúng tôi phát hiện ra rằng có thể học theo hình mẫu từ các làng nghề Việt Nam - đây là các hệ sinh thái kinh tế tự vận hành vô cùng hiệu quả. Chương 10 của cuốn sách đã lý giải khá rõ vấn đề này.

Fsoft mang giấc mơ lớn là chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, tức là thành lập công ty lớn ở thị trường bản địa, góp phần xây dựng hệ sinh thái tại đó, chứ không phải cánh tay nối dài của tập đoàn ở Việt Nam. Lãnh đạo các công ty ở nước ngoài, chúng tôi đặt ra quy tắc ban đầu là phải độc lập tác chiến, hạn chế tối đa việc xin ý kiến trong nước. Bám chặt thước đo khách quan là hiệu quả kinh doanh.

Để làm việc đó, họ đã phải hòa nhập với văn hóa kinh doanh tại nước mà họ làm việc. Nhưng họ cũng phải học cách để quản trị nhân sự bản địa mang lại hiệu quả nhất. Đó chính là sự uyển chuyển và linh hoạt của văn hóa Việt Nam.

Chắc chắn FPT được như hôm nay, là nhờ đã học được rất nhiều từ những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.

Phong Khang