Các trò chơi dân gian đến với học sinh: Tăng cường thể chất và bồi đắp văn hóa

Tổ chức trò chơi dân gian trong trường học

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục, các nhà trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về các trò chơi dân gian để học sinh biết và có thể tham gia chơi.

Các trường lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị để áp dụng một số trò chơi: Cướp cờ; Rồng rắn lên mây; Kéo co; Bịt mắt bắt dê; Đua thuyền trên cạn; Nhảy bao bố; Ô ăn quan; Mèo đuổi chuột; Cá sấu lên bờ; Nhảy dây; Đá gà; Nhảy lò cò; Khiêng kiệu; Trồng nụ trồng hoa; Truyền tin...

Môn kéo co được rất nhiều học sinh tại các trường học thích thú (ảnh minh họa)

Ngoài các trò chơi dân gian trên, các đơn vị, nhà trường có thể lựa chọn các trò chơi dân gian khác để phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, các đơn vị, nhà trường cần thường xuyên tổ chức tập luyện và giao lưu các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục, khuyến khích học sinh tham gia, qua đó nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Các nhà trường có thể tổ chức các trò chơi dân gian vào các giờ học môn giáo dục thể chất, trong các buổi chào cờ, trong các tiết sinh hoạt lớp, trong các buổi sinh hoạt tập thể, các buổi hoạt động ngoại khóa.

Cơ sở giáo dục cần chuẩn bị cơ sở vật chất trên nguyên tắc tận dụng tối đa các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có, các công trình đã đầu tư, đảm bảo chuyên môn và tuyệt đối an toàn.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu việc tổ chức các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục phải đảm bảo thường xuyên, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp theo cấp học; Tổ chức đánh giá, tổ chức giao lưu để học sinh tham gia, tạo cho học sinh hứng thú tập luyện, yêu thích các trò chơi dân gian thu hút đông đảo học sinh.

Vừa tăng cường thể chất vừa bồi đắp văn hóa

Đã có không ít học sinh từng bày tỏ khá "sợ" môn thể dục vì có những môn thuộc năng khiếu, hoặc môn phải tập luyện. Chẳng hạn như đá cầu, cầu lông. Có những em rất khó thực hiện theo yêu cầu nếu không luyện tập thường xuyên. Chưa kể, có những em nữ sinh đang ở tuổi phát triển giới tính, vì ngại ngùng nên còn khó khăn với không ít một số môn thể dục. Vì vậy một số học sinh bày tỏ khá thích thú trước thông tin sẽ được chơi các trò chơi dân gian tại trường học ở tiết thể dục, sinh hoạt tập thể hoặc ngoại khóa. Như vậy môn học thể dục không còn khô cứng hay là những môn phải tốn nhiều sức lực, luyện tập căng thẳng nữa.

Chơi các trò chơi dân gian không chỉ khiến cho học sinh được vận động cơ thể một cách cơ học mà còn hiểu thêm về văn hóa. Những trò chơi đó đằng sau thể hiện ước mong hay kể lại một câu chuyện dân gian nào đó với sự gửi gắm về điều tốt đẹp cho cuộc sống. Hoặc có khi đơn giản hơn, những trò chơi dân gian chỉ là sự ghép vần, cách chơi chữ thú vị qua nhịp điệu, âm vần khá thú vị. Vì thế, dù với bất cứ trò chơi dân gian nào thì cũng đem lại cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị mà rất có thể các em hiện nay chưa được biết đến.

Tôi thấy việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học cho học sinh trải nghiệm là một ý tưởng rất thú vị và cá nhân hay gia đình tôi rất ủng hộ. Tôi hi vọng con mình hay các cháu thiếu nhi sẽ có được một tuổi thơ ngọt ngào, trong sáng, ý nghĩa, vui vẻ qua những trò chơi dân gian mà thế hệ chúng tôi từng được chơi trước đây - chị Hà- một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ.

Hiện nay các trò chơi dân gian không có "đất diễn" thường xuyên. Thường chỉ có vào các dịp lễ hội, trung thu, sinh hoạt tập thể. Cùng với đó, để chơi được các trò chơi dân gian đòi hỏi cần không gian, có đồng đội cùng trang lứa. Trong khi đó hiện nay không gian công cộng dành cho mọi lứa tuổi còn khá khiêm tốn, và để dành riêng cho học sinh cũng khá hạn hẹp. Cùng với đó, với sự phát triển của đô thị, người lớn cũng khá bận rộn, không có nhiều thời gian để hướng dẫn các em những trò chơi dân gian. Chưa kể áp lực học hành và nhu cầu giải trí tại chỗ, tại mỗi gia đình luôn sẵn có từ các chương trình truyền hình, game, đọc sách, nghe nhạc, xem phim… nên trò chơi dân gian không có cơ hội để học sinh trải nghiệm.

Vì vậy, đề xuất đưa trò chơi dân gian vào trường học cho học sinh với rất nhiều ưu điểm khiến nhiều học sinh cũng như phụ huynh ủng hộ. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả thì cần đồng bộ nhiều yếu tố. Đó là trường học cần có không gian đủ để thực hiện các trò chơi dân gian phù hợp. Bên cạnh đó, vì là trò chơi dân gian có nhiều phiên bản khác nhau ở mỗi địa phương, do đó giáo viên dạy cho học sinh cần có sự thống nhất. Song song với đó cũng nên lựa chọn trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, tâm lý và cả xu thế hiện tại với mỗi độ tuổi, mỗi nơi.

Hà Anh

*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện