Bệ phóng khởi nghiệp: Giới trẻ chung tay vì mục tiêu NET ZERO của Việt Nam

Ngày 22/12, Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Hà Nội tổ chức Vòng chung kết Cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp (STARTUP LAUNCHPAD)” lần thứ I, năm 2023. Tới dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết, cuộc thi được tổ chức nhằm tạo một sân chơi thường niên, bổ ích về khởi nghiệp cho sinh viên, khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn với ứng dụng thực tiễn; cũng như tăng cường kết nối, giao lưu với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tăng cơ hội thương mại hóa, xúc tiến các dự án khởi nghiệp xuất sắc có tính khả thi cao.

Đây là lần đầu tiên, Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Hà Nội tổ chức cuộc thi toàn diện quy tụ các dự án xuất sắc đạt giải từ các cuộc thi khởi nghiệp cấp trường trở lên.

Sau khi phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 92 dự án xuất sắc, đạt giải cao trong các cuộc thi khởi ngiệp các cấp như giải nhất các cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp công nghệ - TECHSTART 2023”, “Khởi nghiệp cùng Kaiwaii 2023”, “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia - RND TO STARTUP”; giải nhì cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka toàn quốc”… thuộc 8 lĩnh vực (Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Công nghệ y tế, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, Công nghệ thông tin; Tài chính, công nghệ tài chính; Du lịch, dịch vụ; Kinh doanh tạo tác động xã hội) từ 28 trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn TP Hà Nội.

Trải qua vòng chấm Sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn được ra 10 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất để tham gia vòng Chung kết của cuộc thi.

Đề tài Ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho sinh viên với mục tiêu phát triển lối sống lành mạnh, phòng ngừa, hỗ trợ cho những đối tượng nguy cơ chủ yếu trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Đề tài Máy hàn ống tự động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ứng dụng ở nhiều công nghệ hàn, hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Các đội thi phải trải qua 2 vòng thi, trong đó vòng thi thuyết trình đòi hỏi các thí sinh vừa phải giới thiệu về dự án, vừa thể hiện các kĩ năng mềm cần có trước Ban giám khảo.

Đề tài thiết bị phòng chống cháy nổ tự động trên xe máy điện của đội thi đến từ Đại học Thủy lợi.

Đề tài sản phẩm chăm sóc dành cho thú cưng của dự án Petaa là những sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam có nguồn gốc tự nhiên và dân gian, hướng tới người nuôi động vật trong nhà.

Dự án Coffuel - chế tạo viên nén từ bã cà phê làm chất đốt do các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tận dụng bã cà phê, mùn cưa tạo viên nén đốt cho lò hơi công nghiệp thay thế than đá, gỗ củi, khí gas. Viên nén này có hiệu suất bằng 120% so với viên nén gỗ và giảm đến 90% lượng tro đốt so với than đá truyền thống.

Dự án Coffuel gây ấn tượng khi hướng tới giải quyết vấn đề nhiên liệu, chất đốt thay thế xanh và sạch trong tương lai. Đồng thời, đây là dự án thể hiện sự chung tay, hướng tới vì mục tiêu Net Zero của Việt Nam năm 2050.

Với những ý nghĩa lớn về môi trường, sự thiết thực và tính thực tế, dự án Coffuel - Viên nén sinh khối từ bã cà phê (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) giành giải Nhất; giải Nhì thuộc về đội NaviAI - Trợ lý ảo AI hỗ trợ sáng tạo nội dung và biểu diễn, thuyết trình (Trường Đại học VinUni); giải Ba thuộc về đội HupTech TechNexa - Hệ thống lên men thực phẩm tự động (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Khánh Huy